Hải đăng nơi cuối trời

Cô lấy tay mở cửa lều nheo mắt nhìn ra. Hai con chó xoáy da óng mượt, một con màu đen, một con màu da bò sấn tới cửa lều.

Tinh mơ. Tiếng chó sủa inh tai. Điềm ngồi bật dậy. Cô lấy tay mở cửa lều nheo mắt nhìn ra. Hai con chó xoáy da óng mượt, một con màu đen, một con màu da bò sấn tới cửa lều. Một tiếng quát váng:- Cô không được ở đây.

Mặt trời làm những giọt mồ hôi lấp lánh trên làn da rám nắng. Gã đàn ông có chiếc mũi cao trên
gương mặt lạnh. Đôi mắt cương nghị vẫn nhìn chằm chằm chờ câu trả lời. Cô tức tối:

– Biển này công cộng. Của nhà anh hay sao mà đuổi.

Giờ Điềm mới để ý ngọn đèn biển sơn màu xanh đứng sừng sững hướng ra biển. Gã trai kia chắc chắn
là người trông hải đăng. Điềm ra đây với mục đích đi tìm nguyên liệu sáng tác. Cô đã hỏi thăm rất
nhiều người Campuchia từ những đảo bên kia. Họ nói dòng hải lưu hay đẩy những cây gỗ về phía đảo
Tiên. Những cây gỗ đã bị mục rữa chỉ còn lõi. Cát, gió biến chúng thành những hình kỳ quái. Điềm
đang đi tìm nó. Cô đang ôm ấp thực hiện các tác phẩm điêu khắc từ gỗ trôi.

Điềm đi chân trần dọc bờ biển. Mắt cô nhìn theo lũ còng đang mải mê xe cát trên đầu những ngọn
sóng. Điềm tự dưng nghĩ ngợi về ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng rồi những ý nghĩ đó vụt tắt trong cô.
Những miếng gỗ trôi làm đầu óc cô nhảy múa. Cô tưởng tượng ra cái khuỷu tay người. Một nụ cười trên
vân gỗ.

Tiếng hét thất thanh của một bà lão trên một thanh gỗ màu nâu xen kẽ những vân đen. Cặp
tình nhân hôn nhau. Điềm để cho đầu óc mình chảy theo những tưởng tượng. Chỉ những lúc như thế,
Điềm thấy mình thật tự do. Điềm chả phải suy nghĩ gì về quyết định phía trước. Sau chuyến đi này là
hạn cuối cùng.

Cô tiến sâu vào trong đảo. Không thấy một bóng người hay nhà cửa. Những đám rác bằng vải đủ màu
được sóng biển đánh vào bờ mắc vào đám cây muống biển làm cô thích thú. Chợt cô giật mình quay lại,
khi nghe tiếng quát:

– Đứng im!

Tiếng quát không làm cô ngạc nhiên. Vẫn gã trai khi nãy. Điềm đã thấy anh ta đứng trên nóc ngọn
hải đăng đo đạc gì đấy. Ban sáng, Điềm đã ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào căn phòng đơn sơ của gã. Điềm
chỉ thấy một cái giường cá nhân cùng chăn màn gấp gọn gàng. Hình một cô nàng mặc áo dài tím đang
cười nụ, nghiêng đầu theo kiểu ảnh thời chiến tranh, kiểu ánh hồng. Mấy thứ vật dụng cá nhân không
có gì đặc biệt. Lần này, hắn đi lên phía trước, chặn lối cô rồi nói:

– Cô về dọn đồ đi, chút có thuyền ra tôi gửi cô về.

Điềm vênh mặt lên chống chế. Giọng cô lạnh băng:

– Đây là đảo chung. Có phải của anh đâu mà có quyền.

– Tôi là người giữ hải đăng ở đây.

Điềm cười khẩy:

– Thì tôi có đụng chạm chi đến ngọn hải đăng của anh đâu. Anh đi mà giữ.

Điềm nói rồi thản nhiên bước về phía trước. Điềm nhìn về phía kia, thấy những ngôi mộ bằng cát.
Những nén hương vẫn còn nghi ngút khói.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Điềm là một họa sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài. Ba Điềm vì thương con gái mà ở vậy, gà trống nuôi
con. Nhưng đến nay ba đã già, ba có một nguyện vọng duy nhất là được thấy Điềm mặc áo cưới trước
tuổi ba mươi. Nếu không được như vậy, ba Điềm cảm thấy mình không yên tâm nhắm mắt. Ba đã hứa nuôi
Điềm ăn học đầy đủ, có chồng con tử tế.

Nhưng bấy lâu Điềm chưa yêu ai. Điềm muốn sống độc thân,
suốt đời vì nghệ thuật. Trong bữa ăn, Điềm vô tình nói cô sẽ không lấy chồng. Cô thấy ba lặng im,
cô chống đũa nhìn ba, vô tình cô thấy một giọt nước mắt ba chảy ra. Giọt nước mắt đàn ông, khiến
tim Điềm tan chảy. Để làm ba yên lòng, Điềm hẹn ba một tháng. Nếu cô không gặp được ai, cô sẽ chịu
sự sắp đặt theo ý ba.

Chả biết trời xui đất khiến thế nào mà Điềm lại chọn đảo Tiên để đến. Cứ như ý ba cô là cô đi
tìm ý trung nhân. Ở nơi hoang đảo này lấy đâu ra đàn ông. Nhưng gã gác hải đăng này cũng là đàn ông
đó thôi. Điềm tự dưng bật cười với chính mình.

Mặt trời đã xuống dần. Điềm nhìn về phía ngọn hải đăng. Sợi khói mảnh khảnh bay lên từ nóc nhà.
Điềm chợt nhớ mình cũng đói. Cô định quay lại lều nấu đồ ăn, chợt cô không thấy mớ gỗ trôi đã gom
được mấy ngày nay đâu.

Phía ngọn hải đăng đã vụt sáng. Ánh đèn lấp lánh theo chu kỳ. Ngoài xa, những đoàn thuyền nối
đuôi nhau đi trên mặt biển. Điềm như sực nhớ ra điều gì. Cô chạy lại phía căn nhà gác hải đăng. Cô
la lên:

– Anh kia, sao anh ăn cắp tác phẩm nghệ thuật của tôi?

Gã gác hải đăng đang thổi phù phù vào cái bếp củi trên đặt một nồi cơm và một nồi cá kho. Anh ta
dừng tay, quay lưng lại, nhếch mép:

– Tác phẩm nghệ thuật nào?

Điềm lao vào bếp, đẩy anh ta ra, rồi rút những thanh củi đang cháy phừng phừng ra khỏi bếp.

Khói bếp hay cơn thịnh nộ làm cho Điềm chực khóc. Tự dưng Điềm bật ra:

– Anh là đồ bệnh hoạn!

Gã gác hải đăng trố mắt ngạc nhiên, anh ta phản pháo:

– Tôi đã làm gì cô?

Điềm trừng trừng nhìn anh ta rồi la lên:

– Anh không bệnh hoạn, sao anh ở đây một mình?

– Cô mới là bệnh. Tự dưng ra đảo này, ở trên bờ biển một mình.

Điềm há hốc mồm ra kinh ngạc. Tự dưng cô muốn nói gì đấy, rồi nuốt nước bọt, như tự chua xót
chính mình, im lặng bỏ ra ngoài.

*

Gió biển thổi mạnh làm tóc cô bay lên lòa xòa trên mặt. Cô thấy đau trên má, buốt trên vành môi.
Đã lâu lắm rồi chưa ai hôn lên đó. Cô là một phụ nữ ở tuổi ba mươi. Có lẽ nào, tất cả đã hết. Chẳng
lẽ cô không còn nhan sắc.

Cô là một bà cô già tuyệt vọng và cô đơn. Cô nhìn hình cô gái có mái tóc
tém, cặp mắt mở to thật tự tin trong quyển tạp chí. Hàng lông mày đen dày và cong thật tự nhiên. Có
lẽ nào, thần tượng của giới mỹ thuật trẻ mà không tìm cho mình một tình yêu. Nhiều khi cô không tin
trên đời này có tình yêu nữa.

Cô thỏa thuê đu mình trên sóng. Lúc cô sắp lên, cô nhìn thấy gã gác đèn biển và hai con chó ngồi
thu lu trên cát. Cả ba đều hướng về những con thuyền phía xa. Nhìn từ ngoài khơi, ngọn hải đăng vẫn
nhấp nháy như con mắt biển.

Cô thấy lạnh và đi lên bờ. Đang cúi xuống lấy khăn đặt trên cát thì cô
thấy một bóng đen đứng lừng lững trước mặt. Cô lùi lại một bước, thủ thế, hai tay như chuẩn bị ra
đòn. Hắn nói sát mặt cô, hơi thở gã thật nóng:

– Ngày mai cô phải biến khỏi đây. Cô ở đây làm gì? Cô hãy để cho tôi một mình.

Cô thấy có gì đấy ở trong giọng hắn. Có thể có đe dọa chăng? Ánh trăng chiếu lóa trên mặt hắn,
in rõ một cái nửa như nụ cười nửa như nhếch mép. Có thể hắn làm hại cô, vì cô chỉ có một mình. Cô
mở bàn tay ra và bắt đầu lo sợ. Hai bàn tay trống không, cô không có chai nước xịt hơi cay hay bất
kỳ thứ gì. Cô là cô gái mạnh mẽ, biết tí võ nghệ. Nhưng tự dưng cô run rẩy.

Cô nhớ lại truyện trước kia. Khi cô mới 11 tuổi, lúc ba cô bận công tác đột xuất nhờ một người
bạn thân trông nhà. Sau này, cô chưa từng dám nói với ba. Càng lớn lên cô càng tìm cách xa ba. Cô
sợ đàn ông cho đến tận bây giờ. Có nhiều người dị nghị nói Điềm thích con gái. Tận sâu thẳm trong
hồn Điềm, Điềm thấy dửng dưng.

Cho đến khi ra nước ngoài, Điềm đã gần như xóa được nỗi sợ đó khi
gặp Andy. Anh ta là một chuyên gia tâm lý, giải thích cặn kẽ cho Điềm thấy được cách vượt qua tâm
lý của người bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Khi Điềm có thai hai tháng, cô đã phát hiện vị hôn
phu của cô ngoại tình. Cô đã bị té và sảy thai. Thời gian điều trị tâm lý kéo dài, đến mãi tận bây
giờ.

*

Điềm nghe tiếng chân chạy rầm rập, tiếp theo là tiếng chó sủa. Điềm dụi mắt nhìn ra. Cô cố nhớ
mình đã ngủ lúc nào khi suy nghĩ miên man. Không cần đoán, đó vẫn là gã trông coi hải đăng đang ở
trần. Mà gã ở trần cũng đẹp thật. Nếu có điều kiện, gã nên làm người mẫu khỏa thân cho đám
sinh viên ở trường mỹ thuật. Chẳng biết lần này gã kiếm cớ gì đây. Gã nói rành rọt:

– Cô chuẩn bị thu dọn mà về đi. Mấy hôm nữa có bão.

Điềm ớ người. Thật ra cô không nghĩ đến tình huống này. Mà thi thoảng có bão tố hay tai nạn gì,
người ta thường theo hướng ngọn hải đăng mà tìm đến tránh bão. Nếu bão xảy ra thì sẽ ra sao, chỉ có
mỗi gã này. Bình thường, từ đất liền, độ một tháng, một tàu tiếp tế ghé qua.

Điềm vẫn tiếp tục nhặt những miếng gỗ trôi và thực hiện ý tưởng nghệ thuật của mình. Cô sẽ điêu
khắc một tác phẩm mang tên Tình Mẫu Tử. Cô muốn tặng ba cô một tác phẩm thật đặc biệt. Mẹ cô đã rời
bỏ ba con cô khi cô mới lên năm. Nhưng trong trí nhớ non nớt của cô, cô không sao nhớ được hình ảnh
mẹ.

Cô đã nhìn hàng trăm người đàn bà cô gặp ngẫu nhiên trên đường. Cô để ý cả những gương mặt khắc
khổ của những người đàn bà buôn thúng bán bưng trên phố. Nét mặt của Đức mẹ Maria sầu bi hay nét
mặt hiền từ cứu khổ cứu nạn của Quan Âm Bồ Tát. Ý tưởng làm đầu cô lẫn lộn lung tung. Cô cố nhớ
gương mặt mẹ trong tấm hình, nhưng không có một cảm xúc gì, không có kỉ niệm nào về mẹ.

Tự dưng gã gác hải đăng từ đâu chạy tới, hắn gầm lên, lao vào xé tan miếng toan rồi ném xuống
biển.

Cô lùi lại, tay cầm cây cọ thủ thế. Giọng gã đầy giận dữ:

– Tại sao cô ăn cắp những tấm hình của tôi?

Cô thả lỏng người rồi nói:

– Hình nào? Tôi lấy nó để làm gì?

Mắt gã vằn lên thật dữ tợn. Tưởng chừng hắn muốn ăn sống nuốt tươi cô. Cô thấy ánh mắt hắn
nghiêm túc lắm. Cô dịu giọng:

– Coi chừng ai vào đó lấy?

– Trời, còn ai vào đây ngoài tôi và cô?

– Anh tìm kĩ chưa? Tự dưng đổ oan cho tôi?

– Oan ức gì nữa, từ lúc cô ở đây, tôi bị mất bao nhiêu thứ?

– Anh vô lí thế? Anh mất thứ gì?

– Tôi mất sự tự do. Tôi đang ở một mình, cô đến đây làm gì? Tôi muốn sự cô đơn.

Tự dưng cô thuyết phục sẽ theo hắn vào phòng tìm mấy tấm hình. Họ tìm khắp căn phòng trống của
hắn cũng không thấy gì. Bất chợt cô nhìn ra phía cửa sổ, những mảnh vụn giấy rải rác ở trước cái ổ
chuột. Cô chỉ cho hắn thấy, bỗng nhiên hắn òa khóc. Cô nhìn hắn. Lần thứ hai cô thấy nước mắt đàn
ông. Hắn khóc vì thứ gì chứ? Chỉ một hay hai tấm hình?

Như biết có người đàn bà đang nhìn mình hắn bỗng dưng im bặt. Cô định nói gì, nhưng hắn đã chạy
đi. Bóng hắn chìm hẳn vào bóng trăng phía những cây dứa dại.

Cô đi theo bóng hắn, cho đến khi cô thấy hắn ngồi sụp trước những ngôi mộ. Hắn thì thầm với
những vụn cát một cái gì đấy.

Cô đã hoàn thành tác phẩm, nhưng gương mặt người mẹ cô không tài nào tưởng tượng ra. Điềm để cho
hai gương mặt là hai khối đen. Người xem có thể xem đó là dụng ý nghệ thuật. Kể cả gương mặt cô lúc
đấy biểu cảm như thế nào cô cũng không nhớ. Ba cô giấu, nhưng cô biết mẹ cô chưa chết. Mẹ bỏ đi
theo người đàn ông giàu có.

Nửa đêm. Gió rít lên từng cơn. Biển động. Cô nghe tiếng mưa lộp bộp ngoài lều. Cô mở cửa lều
định chui ra. Bỗng cô thấy gã cùng hai con chó án ngữ ngay trước cửa. Gã nhanh chóng dọn đồ. Điềm
không nói gì, cô đi theo gã vào trong nhà.

Gió thổi ù ù. Mây đen mù trời, dông biển kéo đến. Mưa mỗi lúc nặng hạt hơn. Dáng gã liêu xiêu
trong bão, cheo leo trên ngọn hải đăng. Nhìn bóng gã một mình, Điềm tự hỏi nếu không có Điềm ở đây,
gã cô đơn biết chừng nào. Trong lòng Điềm bất giác có gì đấy thương cảm. Nhưng gã không muốn Điềm ở
đây, hay lòng Điềm cũng chưa hề mở ra cho ai. Tự dưng Điềm nhếch mép.

Gã lấy tay mở gói giấy, rồi ngạc nhiên cười. Điềm đã vẽ lại hai tấm hình của gã theo trí nhớ.
Ánh lửa bập bùng làm mắt gã lấp lánh, gã nhìn hình chân dung hai vợ chồng rồi lẩm bẩm:

– Cảm ơn cô nhiều lắm. Đây là tấm ảnh duy nhất của ba mẹ tôi.

Gương mặt gã đỏ lên vì lửa, nụ cười khiến gương mặt gã thật hiền. Điềm tự dưng thở dài:

– Tôi không tài nào nhớ nổi gương mặt của mẹ mình.

Gã nhìn Điềm, tự dưng ánh mắt dịu lại. Gã định cầm tay Điềm, nhưng chừng gần chạm lại buông
ra.

– Năm đấy tôi mười tuổi. Cả hai người đó cùng mất một ngày.

Ngoài kia trời mưa như trút nước. Ngọn hải đăng vẫn nhấp nháy liên tục. Gã thở dài.

– Năm nay nhiều bão quá. Mấy đợt trước lần nào cũng có thuyền lạc đường qua đây.

Điềm tự dưng hỏi:

– Sao anh ở có một mình? Nhỡ không may thì sao…?

Gã nhìn cô, ngụ ý như muốn hỏi, tại sao cô thân gái dặm trường một mình? Cô tự trả lời trong
đầu. Rồi như làm lơ, cô xoa xoa hai tay vào nhau cho ấm rồi nói:

– Anh tên là gì?

– Tôi là Lu, còn cô?

– Tôi là Điềm.

Gã phân trần, Lu là tên mọi người gọi thôi. Chứ tên thật của gã là Phúc. Nhưng mà gã thấy chả có
phúc tí nào, nên cứ gọi là Lu. Mà lâu nay gã sống một mình, có ai gọi tên gã đâu. Đã lâu rồi, tự
dưng nhắc đến tên mình, lòng dạ gã thấy bồi hồi. Bộ đội tìm thấy gã nằm chết giấc trong một cái lu
sành. Có lẽ do sợ hãi, do đói.

Gã nhớ lúc đó có tiếng súng nổ đì đoàng ngoài biển, rồi mấy cái ca
nô chạy rầm rập trên sóng. Mẹ gã nhét con vào cái lu và dặn gã nằm im. Khi gã tỉnh dậy, bộ đội chỉ
cho hai nắm đất. Mấy năm trước gã sang cát, rất nhiều cái xương gãy nát, họ đã bị hành hạ dã man
trước khi chết. Cha mẹ gã chỉ là những người giữ hải đăng, sao quân Pol Pot chúng ác vậy.

Chiến tranh mà, cô định nói gì rồi lại thôi. Cô nhìn thẳng vào mắt Lu. Mắt Lu chợt tối sầm và
đượm buồn. Cô thấy ở đáy mắt của Lu có khói. Điềm chụm lửa vô, ngồi gần bên Lu.

Gió vẫn thét ào ào. Nhìn từ cửa sổ, biển như một con quái thú gào thét dữ dội. Tự dưng Lu
nói:

– Tôi không thích bão.

Điềm định cười, vì câu nói hồn nhiên của Lu. Có trời có biển thì có bão thôi. Nhưng Điềm biết Lu
nói có căn cớ. Điềm tự dưng lấy hai tấm hình vẽ ra nhìn, cô gái nhìn nghiêng, khá xinh. Điềm
hỏi:

– Người yêu anh à?

– Có một lần bão đến, cô gái lên cơn đau ruột thừa, nhưng mà không mang vào đất liền kịp nên cô
ta chết.

– Cô có đau bụng không?

– Không?

– Ngày mai cô về lại nhé? Và đừng bao giờ ra đây nữa.

Điềm không nói. Cô thấy khô và đắng miệng khủng khiếp. Cô lấy chocolate trong túi mời Lu ăn. Lu
nói Lu rất sợ ai bị đau bụng giữa cơn mưa bão, nên Lu đã không muốn Điềm ở lại đây.

– Cô ấy là vợ anh à?

Mắt Lu tự dưng sầm sập buồn. Trong Điềm có gì đấy tan chảy, tan chảy như chocolate gặp lửa. Lu
lấy tay vuốt ve con chó xoáy. Hai con chó ngoan ngoãn nằm gác mõm lên nhau, thi thoảng chúng lại
nhìn lên mặt Lu, có khi đưa mắt thăm dò Điềm. Lu kể từ lúc mười tuổi Lu lớn lên cùng hai người gác
hải đăng khác. Lu đi học nghiệp vụ hàng hải rồi về đây làm thế.

Dông đã ngưng thổi. Chỉ còn những đợt gió biển và mưa. Tự lúc nào tay Điềm đã ở trong tay Lu.
Ánh mắt Điềm chạm ánh mắt Lu. Ánh mắt như có điện. Cổ họng Điềm khô đắng.

Lửa đã tàn. Chỉ còn đám than hồng ửng. Môi Lu áp vào môi Điềm. Điềm thấy một luồng khí nóng rực
chạy dọc từ cổ xuống bụng, xuống thấp hơn. Điềm thấy mình nhẹ bẫng. Bóng Lu trườn trên bóng Điềm.
Ngực cô nóng ran. Nào mắt. Nào môi. Cô để mặc cho dòng cảm xúc kéo tuột mình đi. Trong ánh lửa than
hồng, Điềm vẫn thấy bóng Lu nồng nàn. Cho đến hai tay cô bấu chặt lấy lưng Lu, và la lên khe
khẽ:

– Phúc ơi!!!

Ngoài trời gió đã ngưng thổi. Những hạt mưa cuối cùng gõ lộp bộp lạc nhịp trên mái tôn. Họ quấn
vào nhau ngủ say mê. Cho đến những tia nắng đầu ngày chiếu rọi. Lu thức dậy không thấy Điềm đâu. Lu
rửa mặt rồi tìm quanh, Lu thấy Điềm đang nấu ăn trên cái bếp ga du lịch.

Thấy Điềm sắp đồ, ruột gan Lu như lửa đốt. Lu muốn Điềm ở lại với Lu, ở lại mãi mãi, nhưng lại
phân vân: mình là cái gì chứ, mình có quyền gì mà giữ người ta ở nơi khỉ ho cò gáy này.

Lúc Điềm định đi, Lu chặn Điềm lại, Lu ôm lấy Điềm thật chặt. Lu dẫn Điềm ra chỗ mấy ngôi mộ. Lu
chỉ vào nắm đất con con, ở trên có trồng một đám hoa tim tím. Lu bảo: Con Lu đấy!

Lu kể Lu quen vợ vào lúc nghỉ phép. Vợ Lu làm nghề buôn cá trên bờ. Vợ Lu ra ở với Lu mấy tháng
trên đảo và có thai. Trong một đêm bão, vợ Lu bị đau ruột thừa, may mà cứu kịp, vợ Lu vẫn còn sống,
đứa con thì đem chôn ở đây. Sau đó vợ Lu đòi về quê ngoại. Nghe đâu lưu lạc. Lu vẫn mong, có cơn
bão nào khiến tàu bè ghé qua lánh nạn, Lu đưa tấm hình này để hỏi thăm người ta coi. Mới đó mà đã
năm năm rồi.

Lu nhìn Điềm, ánh mắt anh giao vào ánh mắt cô, bỗng nhiên tối sầm lại. Điềm ôm Lu thật chặt.

Hòn đảo lùi dần, Điềm đứng trên mũi thuyền dõi về phía Lu. Lu đứng lặng nhìn theo Điềm, rồi đột
nhiên xé nát tấm hình. Xé nát vụn, thật vụn. Bao nhiêu kìm nén trong Lu dồn ứ, nay được bung ra. Lu
tung cả nắm giấy vụn xuống nước. Xác giấy nổi lềnh bềnh, rồi dạt tan tác theo con sóng bạc đầu.

Lu chạy dọc theo bờ biển rồi la lên:

– Bỏ tôi đi, bỏ tôi đi lấy chồng. Thế mà tôi vẫn mong cô ta trở lại. Chỉ cần cô ta trở lại tôi
sẽ bỏ qua hết. Rồi Điềm cũng như cô ta thôi.

Lu la mãi cho đến khi con thuyền mất hút vào đường chân trời xa tít tắp.

*

Gương mặt của người mẹ trong tác phẩm điêu khắc Tình Mẫu Tử tự dưng hiện ra trong đầu cô. Cô đưa
tay vuốt bụng, ở đó có một sinh linh vừa tượng hình. Cô vỗ về đứa con, giọng dịu dàng như tự nhủ
mình:

– Chắc chắn mẹ con mình sẽ quay lại đảo Tiên, đúng không?

Theo Văn Vũ Song Toàn
Văn nghệ công an