Tri Tôn vùng đất phi ngôn ngữ

Tri Tôn vẫn là một huyện dân cư thưa thớt nhất của tỉnh An Giang, nhưng ẩn chứa bên trong là những giá trị văn hóa lâu đời và mang tính cổ truyền bản địa đậm đặc Khmer Nam Bộ

Hồi xưa, chừng 100 năm trước, xứ này khỉ nhiều, dám ra tận đường cái mà kéo người, dân chúng gọi đây là xứ Svayton, nghĩa là “khỉ đu”. Từ chữ Svayton, dân Tàu đọc thành âm Tzai tón, âm Hán Việt của Tzaitón là Tri Tôn. Cách lí giải này xem như là hợp lí. Xứ dựa vách núi Tô, thời trước, di chuyển đến vùng nầy rất khó khăn, mãi tới ngày gần đây, nhiều người chưa ra tới Châu Đốc, tỉnh lị gần nhứt.

Tới nay, Tri Tôn vẫn là một huyện dân cư thưa thớt nhất của tỉnh An Giang, nhưng ẩn chứa bên trong là những giá trị văn hóa lâu đời và mang tính cổ truyền bản địa đậm đặc Khmer Nam Bộ như lễ hội đua bò (tháng 9, tháng 10 hằng năm), hay những Tết Chol Chnam Thmay, lễ cúng trăng Ok Om Bok đầy lung linh huyền ảo. Kể cũng lạ, xứ thuộc địa phận Việt Nam mà đến đây ngỡ như đang ở nước bạn Cam Bốt vậy: người dân nói tiếng Khmer, chỉ vào chợ mới nghe loáng thoáng được đôi câu tiếng Việt, văn tự các chùa chiềng cũng đều là tiếng Khmer vậy. Chạy dọc chân núi Tô là ruộng đồng xa tít tắp chân trời, mà lại chấm phá vài ngọn thốt nốt, âu cũng lạ so với cảnh ruộng đồng nông thôn Việt Nam. Cưỡi ngựa xem hoa chán rồi, ai có máu khám phá thì cứ vào phum, sóc của người Khmer mà chơi (nhưng nhớ đi đứng, nói năng cho đàng hoàng), hên lắm gặp được cụ nào nói được tiếng Việt thì tha hồ mà nghe những chuyện thuở xưa, những chuyện huyền ảo vùng Bảy Núi hay cả chuyện tội ác chiến tranh nơi đây tầm 30 năm trước mà minh chứng là nhà mồ Ba Chúc. Trẻ em ở đây sáng đi học, chiều lại ra đồng phụ cắt cỏ, chăn bò; đa phần chẳng rành tiếng việt nhưng được cái hòa đồng lắm, lân la lại bắt chuyện ú ớ vài câu Anh ngữ hế lô bái bai là thế nào cũng bày trò ra chơi, mà giỡn nhây lắm.

Chán chê rồi thì lên chùa, ở ngay thị trấn có chùa Svayton, gọi thương là chùa Xà Tón, ngót ngét 200 năm tuổi. Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia hồi năm 86. Từ chùa Xà Tón đi khoảng chưa tới 3km, theo đường lên đồi là chùa Tà Pạ. Chùa không xây trên mặt đất bằng phẳng mà trên những cột trụ cao hàng chục mét. Nhìn xa, chùa như đang lơ lửng giữa bốn bề rừng cây vậy. Các chùa này đều theo Phật giáo Nam Tông, hay còn gọi là Tiểu Thừa nghĩa là “cỗ xe nhỏ” (theo cách gọi chê bai của một số đại biểu phái Đại thừa dùng chỉ những người theo “Phật giáo Nguyên Thuỷ” – nhưng nay ý nghĩa chê bai đó đã không còn). Theo đó, khi người thân trong gia đình khi qua đời sẽ được hóa táng và chôn cất trong những tháp chóp nhọn đặt trong khuôn viên chùa với ý niệm sẽ được sống cùng đức Phật, được ngài chở che.

Bấy nhiu thôi cũng đủ làm Tri Tôn trở nên khác biệt so với hàng trăm địa điểm du lịch khác ở Việt Nam. Nếu bạn muốn đến đây khám phá nhưng lại ngại bất đồng ngôn ngữ thì hãy nhớ rằng ngôn ngữ chung của tất cả mọi người đó chính là một nụ cười.

Cre: Địa Phương Chí – Tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn văn hóa Việt Nam