Những ổ bánh mì đặc biệt nhất đời

Hôm qua, chiều 20/3/2020, anh Vũ Mạnh Cường, nhà truyền thông của Bộ Y Tế đã phải kêu lên: Thầy thuốc sẽ không chùn bước.

Sau đó, anh Vũ Mạnh Cường viết tiếp: Nhân viên y tế luôn luôn là F1. Nhiều bạn xôn xao còm chung một ý, sao các y bác sĩ lại tặng hoa bệnh nhân, chúng ta phải tặng hoa biết ơn họ chứ.

Trên khắp thế giới, ai khổ nhất trong mùa dịch? Y bác sĩ, nhân viên y tế. Nguy hiểm nhất, căng thẳng tột cùng, cực nhọc nhất, đau thương nhất. Cả những nhân viên phục vụ (lái xe, tạp vụ, lao công…) cũng cực trăm bề nên Singapore đã lập riêng một “quỹ can đảm” để chăm lo.

Tôi đọc một nghiên cứu tuần trước mà buồn quá, không đành viết. Nghiên cứu tiên đoán là giới y bác sĩ của nước Ý, vào cuối hay sau trận dịch sẽ… tự tử nhiều nhất vì không chịu nổi bi kịch day dứt trong tâm khảm họ, trong lòng họ vì nỗi đau phải làm trái đạo đức ngành y (họ bị buộc phải bỏ qua những ca lớn tuổi hơn 70, tập trung nguồn lực cứu người ít tuổi hơn, ít bệnh nền hơn).

Nam điều dưỡng Dương Ngọc Đức, khoa nhiễm, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận trong phút nghỉ nhanh.

Ai đến đứng trước mặt, nhìn thẳng mắt họ, nói nghìn lời biết ơn và tặng hoa cho họ?

Đắn đo mãi, có người không ôm hoa đến mà gửi lời cám ơn chân thành bằng… 3.000 ổ bánh mì. Những ổ bánh đặc biệt nhất. Vì cả đời có bao giờ phải “chế” loại bánh mì nhiều ưu điểm thế đâu: nhiều chất dinh dưỡng nhất, ngon, gọn, để dành được lâu nhất và phải hoàn tất đợt bánh đầu tiên thật nhanh.

Khi ông “vua bánh mì”, vẫn là ông ấy, gọi cho tôi với giọng ít rộn rã hơn mọi lần vào cuối giờ chiều hôm qua, tôi hồi hộp lắng nghe. “Chị Hạnh, tôi nghĩ kỹ rồi. Giờ là lúc phải xúm nhau lo, lo được chút nào hay chút ấy, cho các y bác sĩ, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ. Nói thiệt, cả tuần qua, tôi dừng công việc, tính toán, chế biến ra loại bánh mì này. Mẻ bánh đầu tiên, nhờ chị gửi cho các anh chị ấy thử giùm tôi coi được chưa, nên thêm bớt gì.

Đợt đầu tôi làm 3.000 ổ, đây là  “bánh mì dinh dưỡng”, mỗi ổ đầy đủ chất thay một bữa ăn, họ có thể ăn ngay sau khi phẫu thuật hay đang trên ca trực. Bánh là bánh mì đen, có hạt óc chó, nho khô, phô mai, khoai lang Nhật sấy dẽo và mè đen. Bánh để được một tuần vẫn nguyên phẩm chất (bánh có bao bì hút chân không), nếu bỏ tủ lạnh thì để được 3 tháng”.

Những ổ bánh mì cắt đôi, cắt ba

Làm sao tiếp cận và phân phối đến tay những người ở tuyến đầu này. Cảm tấm lòng anh bạn doanh nhân, cả ngày thứ bảy, tôi khuấy động đủ các cơ quan: Bộ Y tế, ban chỉ đạo chống dịch thành phố, Hội Lương thực TP, Mặt trận Tổ Quốc TP (nơi tiếp nhận phẩm vật). Cuối cùng tôi nhận được lời nhắn.

Xong rồi nhé. Bánh mì sẽ phân bổ dần đến đúng nơi cần. Vâng, đến các chiến binh nơi tuyến đầu (đây là từ anh Kao Siêu Lực gọi). Thay cho những bó hoa là những ổ bánh mì. Đó là lời cám ơn tận đáy lòng của anh Lực gửi tới những người hi sinh nhiều nhất trong trận chiến cam go này. Tôi không tả được cảm xúc khi nghe tiếng anh cười ha ha thật sảng khoái qua điện thoại…
Ôi, người doanh nhân ấy cũng tự xác định vị trí của mình: tuyến đầu.

Theo Facebook nhà báo Vũ Kim Hạnh