Cách trồng ổi trong chậu cho nhiều trái

Ổi, loại cây trồng quen thuộc ở nhiều vùng quê, nay có thể được trồng làm kiểng ở thành thị, lại mang đến nguồn trái cây cải thiện dinh dưỡng cho gia đình.

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều giống cây ổi mới có ưu thế nhanh ra hoa lại cho nhiều quả, tuy nhiên việc chăm sóc bón phân cây ổi trồng chậu ra quả  như mong muốn lại không hề đơn giản.

Sau đây là một số bí quyết trồng ổi sao cho ổi ra nhiều quả. 

Đất trồng

Ổi, hầu như không kén đất, tuy nhiên do trồng trong chậu nên cần lưu ý chọn đất trồng cây tơi xốp thoát nước tốt và bổ sung thêm phân hữu cơ hoai mục, tốt nhất nên chọn phân trùn quế để rễ cây không bị nấm bệnh. Có thể phối trộn giá thể trồng cây với tỷ lệ tro trấu, xơ dừa, trấu sống, phân trùn quế là 2:0,5:0,5:1.

Chọn giống cây ổi và chọn chậu trồng cây ổi phù hợp

Các giống cây ổi đang được bán rộng rải chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan, Úc… và nhân giống bằng phương pháp chiết cành nên rất nhanh ra trái, nếu được chăm sóc bón phân đầy đủ thì 4 – 6 tháng là cây ổi giống sẽ cho trái đầu tiên. Nhưng cây giống có nguồn gốc từ chiết cành sẽ nhanh bị suy yếu nếu chúng ta để trái quá nhiều trên cây, có trường hợp cây ổi chỉ cho một đợt trái đầu tiên rồi yếu dần.

Thông thường, nên chọn giống cây ổi Đài Loan, ổi nữ hoàng  hoặc ổi lê để trồng chậu tại nhà do các giống này có sức sinh trưởng khá mạnh và dễ chăm sóc bón phân.

Việc chọn chậu trồng cây ổi có thể dùng chậu nhựa DS hay chậu sành sứ, với kích thước cho cây giống lúc đầu là đường kính chậu từ 30 – 35 cm, cao từ 30 – 40cm,  sau 6 tháng và thu hoạch được hai đợt trái thì sang chậu với kích thước tăng thêm 10 cm (ưu tiên tăng về đường kính miệng chậu). Như vậy cứ mỗi năm tăng dần kích thước chậu thay theo kích thước lớn của cây.

Bón phân và chăm sóc cây ổi trồng chậu tại nhà

Do cây trồng bị giới hạn sinh trưởng và phụ thuộc vào sự chăm sóc của con người nên cần lưu ý khâu bón phân tưới nước thường xuyên không để cây bị khô nước dễ làm rụng lá cây. Nhớ luôn giữ cây ổi trồng chậu đủ ẩm.

Bón phân cho cây ổi phải theo định kỳ một tháng 2 lần bón cho gốc cây ổi, lần thứ nhất cho hổn hợp đất sạch và phân trùn quế theo tỷ lệ 1:1, rải lớp hổn hợp dầy 2,5 – 3 cm quanh mặt chậu.

Lần bón phân thứ hai cách lần 1 là 7-10 ngày, trộn đều hổn hợp surper lân và  phân hạt NPK tím 9:15:25 TE theo tỷ lệ 2: 1, bón muỗng canh hổn hợp phân rải quanh gốc rồi tưới nước đầy đủ.

Trường hợp cây ổi vừa được thu hoạch trái thì dùng NPK 16.16.8 hay 20.20.15 để giúp cây phục hồi tán lá và chuẩn bị đợt ra quả mới, đồng thời phun thêm phân bón lá giúp cây ổi tăng đề kháng.

Cây ổi cần nhiều phân, do đó cần cung cấp liên tục cho cây từ khi trồng đến khi cho trái. Lượng phân bón cung cấp cần gia tăng dần khi cây lớn. Trong những năm đầu, khuyến cáo bón 100 – 150g phân SA/cây và bón làm 2 lần vào đầu và cuối mưa cho ổi. Khi cây bắt đầu cho trái bón từ 300 – 500g phân hỗn hợp/cây/năm, trong đó N và K chiếm tỉ lệ cao. Cây từ 10 năm trở đi cần bón khoảng 2kg phân hỗn hợp/năm.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây ổi trồng trong chậu tại nhà ít khi bị sâu bệnh tấn công, chỉ khi có trái cần phải bao lại bằng bich ni lon để tránh bị ruồi hút làm thối quả.

Có thể dùng thuốc trừ sâu sinh học hay nước tỏi và ớt phun cho cây ổi nhằm xua đuổi côn trùng không tới gần.

Cây ổi thường hay bị những loài rệp phá hoại, có thể dùng Trebon, Supracide, hay Applaud Mip để trị rệp. Thời gian phun thuốc phải cách xa thời điểm hái quả, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tạo tán và dưỡng cây

Để cây ổi tập trung dinh dưỡng nuôi trái thì cần thiết phải ngắt bỏ bớt khi quả vừa tượng hình, chỉ chừa lại một quả trên một nhánh (ưu tiên để trái gần thân chính nhất). Nếu cây ổi đã lớn có gốc to thì có thể để nhiều trái xung quanh thân chính hoặc cành lớn.

Cây ổi trồng chậu tại nhà được một năm thì bắt đầu tỉa cành tạo tán cho cây khỏe. Để cây ổi ra nhiều quả thì phải tỉa cành tạo tán cho cây khỏe có nhiều nhánh nhất, lúc đó cây ổi đủ sức mang nhiều trái.

Tỉa cành bấm ngọn

– Cắt bỏ những cành khô sâu bệnh, cành yếu nằm phía trong không có ánh sáng để làm thông thoáng tán cây và đảm bảo các cành lá đều có đầy đủ nắng để quang hợp.

– Sau mỗi đợt thu hoach trái thì tiến hành bón phân gốc và tỉa cành thu gọn tán cây ổi, không cắt vào phân cành cấp 2, chỉ bấm phân cành cấp 3. Từ một nhánh ban đầu sau khi tỉa bỏ sẽ xuất hiện hai chồi mới, từ chồi này sẽ cho cặp trái mới. Lưu ý giữ bấm ngọn để tạo khung tán cho cây ổi phát triển theo hình cây nấm.

Người trồng nên tỉa bỏ lá “đồng tiền” (dạng lá tròn) ở mỗi gốc chồi và bỏ đi các lá dài (ở chóp trái) để tránh chỗ ẩn nấp của sâu đục trái.

Quả ổi do chính bàn tay mình chăm sóc sẽ có nhiều hương vị thơm ngon và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguyên Lê (tổng hợp)