Cách trồng đu đủ trong chậu sai trĩu quả

Đu đủ là một loại trái cây được nhiều người yêu thích và cũng là một loài cây kiểng trồng trong chậu rất bắt mắt. Sau đây là cách trồng đu đủ trong chậu cho nhiều quả.

Đu đủ là loại cây dễ trồng, có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, để trồng đu đủ trong chậu, vừa làm kiểng, vừa làm cây ăn quả thì cần nắm một số bí quyết nhỏ sau, để cây đu đủ luôn xanh tốt, nhiều quả.

Chuẩn bị

 Về chậu trồng cây, lựa chọn các chậu cây được làm bằng sứ hoặc các chậu xi măng chuyên dụng cho cây cảnh. Kích thước mỗi chậu phải đủ lớn để cây sinh trưởng và phát triển. Chậu phải có lỗ thoát nước, đảm bảo thoát nước tốt.

Đất trồng, bao gồm hỗn hợp đất thịt ải, xỉ than tỷ lệ 3:1, ủ kỹ 12 – 15 ngày trước khi đưa vào chậu. Đất thịt ải phải là đất mới chưa qua gieo trồng bất cứ loại rau màu nào. Đây là khâu kỹ thuật then chốt, có ý nghĩa quyết định tỷ lệ sống của cây đu đủ trên chậu sau trồng.

Trồng đu đủ cảnh nhất thiết phải trồng bằng cây con đã gieo ươm trong bầu, có thể mua giống cây đã gieo ươm trong bầu, cây giống  to mập, khỏe, sạch bệnh có từ 4 đến 5 cặp lá, cao 10 đến 15cm, sau đó đưa về giâm lại trong vườn nhà, nơi cao ráo, thoáng mát.

 Hàng ngày tưới nhẹ, nên kết hợp phun cùng một số thuốc bảo vệ thực vật phòng ngừa nhện đỏ, rệp sáp và bệnh khảm. Khoảng 12 – 15 ngày sau giâm có thể đưa cây trồng  lên chậu.

Cách trồng

Sau khi cây đã ổn định bộ rễ, thì trồng cây lên chậu. Dùng hỗn hợp đất, xỉ than đã chuẩn bị trước vào chậu và cách miệng 5 – 7cm. Bón lót phân chuồng trộn với một ít phân hóa học dưới đáy chậu.

Nhấc nhẹ bầu cây, dùng dao sắc rạch nhẹ vừa đứt lớp vỏ bao bầu một đường từ trên xuống sát đáy bấu, để định hướng sự phát triển rễ cây trong chậu sau này.

Đặt bầu cây (còn nguyên túi nilon bao ngoài) trồng ngay ngắn trong chậu, phủ đất kín bầu cây, nén chặt nhẹ, tưới dưỡng ẩm hàng ngày.  Trong quá trình sinh trưởng, bộ rễ cây sẽ bị hạn chế phát triển bởi phần túi nilon còn bao bầu, chủ yếu phát triển tập trung theo hướng mở của vỏ nilon bao bầu rạch trước đó.

Chăm sóc

Phòng trừ sâu bệnh: Cây đu đủ cảnh thường bị một số sâu, bệnh hại chính như: Nhện đỏ, rệp sáp, bệnh khảm, xoăn lá do Virus, có thể phòng trừ hiệu quả bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như Danitol 10EC; Ortus 5EC, Nitac 5EC… trừ nhện đỏ; Supracide, Suprathion, Applaud… trừ rệp sáp.

Riêng với bệnh khảm và xoăn lá do virus hiện chưa có thuốc phòng ngừa đặc hiệu, cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp: Lựa chọn cây giống khỏe, bón vôi bột định kỳ, diệt rệp sáp, rệp đào triệt để, tránh gây tổn thương cây trong suốt quá trình chăm sóc. Lưu ý, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao gói; một số thuốc có dạng nhũ dầu dễ gây cháy lá, cần phun thuốc vào chiều mát và không pha thuốc quá đậm đặc.

Lưu ý:

Để khắc phục hiện tượng rễ đu đủ mọc luồn qua các lỗ thoát nước gây nứt vỡ chậu, người trồng nên  chọn mua hoặc đặt làm các chậu có lỗ thoát nước nhỏ dưới 2cm. Dùng một miếng ngói hoặc cục xỉ than đặt lên lỗ thoát nước của  chậu, nhằm tránh rễ cây mọc lan ra. Sau trồng 2 – 3 tháng, định kỳ
15 – 20 ngày xoay chậu 1 vài lần.


Nguyên Lê (tổng hợp)