Thu nhập ổn định từ trồng rau hẹ

Nhạy bén với nhu cầu của thị trường, một số hộ nông dân phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa đã chuyển đổi diện tích trồng rau ăn lá kém hiệu quả sang trồng hẹ.

 Đây là loại cây dễ trồng và ít phải chăm sóc, vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác.

Ông Vũ Hữu Vượng (tổ 2, khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa) một trong những hộ nông dân đầu tiên tham gia vào tổ nghề nghiệp trồng hẹ tại địa phương cho biết: Với hơn 1.500m2 đất trồng hẹ, ông chia ra làm nhiều luống, trồng theo hình thức gối đầu nên thu hoạch xoay vòng, đều đặn ngày nào cũng có hẹ bán. Hiện trung bình mỗi ngày ông thu khoảng 100kg, giá bán ổn định từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, mang về cho gia đình ông thu nhập từ 700.000 – 1.000.000 đồng/ngày. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng gia đình ông thu về khoảng 15 – 20 triệu đồng. “Hẹ vừa là loại rau cho lá và có thể dùng làm thuốc. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng hẹ không mất tiền mua giống, có thể thu hoạch quanh năm nên cho thu nhập thường xuyên. Trồng hẹ chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ hoai và lân, do hẹ là loại cây có sức đề kháng tốt nên ít khi cần dùng đến thuốc BVTV. Do vậy, hẹ được đánh giá là loại thực phẩm sạch, đảm bảo và được thị trường khá ưa chuộng”, ông Vượng cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hồng (tổ 3, phường Kim Dinh) có hơn 5 năm trồng hẹ cho biết: Muốn trồng cây hẹ đạt hiệu quả cao, phải chú ý từ cách làm đất, bón phân, chọn giống tốt, như vậy cây sẽ phát triển và cho thu hoạch nhanh hơn. Hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3 – 4 tép, khoảng cách 15 x 15cm. Sau khi trồng, tiến hành phủ trên luống bằng rơm rạ mỏng, tưới nước đủ ẩm. Hẹ dễ sống, dễ nảy chồi nên khi trồng bằng thân, hẹ mọc tốt lại tỉa trồng ra luống khác.

BàVũ Thị Hồng, tổ 3, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa đang chăm sóc vườn hẹ của gia đình.
BàVũ Thị Hồng, tổ 3, phường Kim Dinh, TP.Bà Rịa đang chăm sóc vườn hẹ của gia đình.

Cũng theo bà Hồng, hẹ là giống cây không chịu được hạn nên cần tưới nước đầy đủ, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Lúc mới trồng, tưới nước trung bình 3 lần/ngày, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì rút ngắn 2 lần/ngày, tránh tưới vào buổi trưa. “Đặc tính của cây hẹ là hay bị “chết nhát” trong giai đoạn mới trồng (cây sốc, chậm phát triển). Để hạn chế hiện tượng này, trước khi trồng cần cắt bớt rễ của cây giống. Làm như vậy thì khả năng tái sinh của rễ sẽ tốt hơn và cây sẽ tạo chồi nhánh nhanh, khỏe, giúp hạn chế hiện tượng chết nhát”, bà Hồng nói thêm.

Hiện cây hẹ đã trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ nông dân tại khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa. Do đó, từ năm 2018, Hội Nông dân phường Kim Dinh đã thành lập tổ nghề nghiệp trồng hẹ, nhằm hỗ trợ nông dân phát triển về quy mô, chất lượng, đồng thời tìm đầu ra lâu dài, bền vững cho cây hẹ. Ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh cho biết: Phường Kim Dinh có 23 hộ trồng hẹ với diện tích khoảng 5ha, mỗi năm cho thu nhập trung bình 100 triệu – 150 triệu đồng/hộ. Hiện thị trường tiêu thụ chủ yếu của cây hẹ là trong tỉnh và một số tỉnh lâ cận như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh… Để phát huy hiệu quả của mô hình, Tổ nghề nghiệp trồng hẹ được thành lập nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, mẫu mã sản phẩm… Hàng quý, thường trực Hội cử người tham gia sinh hoạt với tổ trồng hẹ để trao đổi kinh nghiệm, cách sử dụng thuốc BVTV sao cho hợp lý. Hội Nông dân phường cũng chủ động vận động một số hộ khác cùng tham gia vào tổ nghề nghiệp, mở rộng diện tích, đồng thời phát triển theo hướng liên kết sản xuất để tìm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

;