Lão nông thành công với “rau hoàng đế”

Măng tây được mệnh danh là “rau hoàng đế”, giá trị cao, nhưng trồng và chăm sóc loài cây này không dễ. Từng có nhiều người tham gia trồng thử nghiệm, nhưng thất bại.

Ông Ba Nhoai bên
vườn “rau hoàng đế”. Ảnh: Hồng Thuỷ

Một lão nông sau
nhiều tháng năm kiên trì mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng tây,
cuối cùng đã thành công. Đó là ông Phạm Đức Nhoai (Ba Nhoai) ở ấp An Hòa, xã An
Phú, huyện Củ Chi, TPHCM.

Để thành công với
vườn măng tây, lão nông Ba Nhoai đã đầu tư hàng tỷ đồng. Cứ mỗi ha khoảng 700
triệu. Giống măng tây được ông nhập hạt từ Mỹ, sau đó về tự tay ông ươm, chứ
không mua giống của Thái Lan.

Sau khi ươm 2
tháng, các bầu giống măng tây được đưa ra vườn trồng với mật độ 24.000 bầu/ha.
Hiện, ngoài việc thu hoạch măng tây thành phẩm, ông còn cung cấp giống. Giá 1 bầu
măng tay bán tại vườn khoảng 25.000 đồng.

Không chỉ đầu tư
cho cây giống, ông Ba Nhoai còn tập trung vào các giải pháp hữu cơ phân, thuốc
cho vườn măng tây. Vì đây là loại rau cao cấp nên phải dùng phân hữu cơ và thuốc
trừ sâu sinh học.

Ông không dùng
phân hoá học hay mua các loại phân bón trôi nổi, không rõ nguồn gốc ngoài thị
trường, mà dùng phân trùn quế, phân bò ủ. Còn thuốc xử lý sâu là chế phẩm hỗn hợp
gồm ớt, xả, tỏi, vỏ cam quýt.

Ngoài ra, việc
chăm sóc hàng ngày được ông đặc biệt chú trọng. Mỗi ha cần đến 5 – 6 nhân công
làm việc liên tục và hoàn toàn thủ công. Họ nhổ sạch từng cọng cỏ, bắt từng con
sâu, ốc, dế, kiến… để tránh măng tây bị phá hoại. Ông còn lắp đặt hệ thống tưới
nhỏ giọt để tiết kiệm nước.

Ông Ba Nhoai cho
rằng, với việc tập trung đầu tư đúng quy trình, “vườn rau hoàng đế” này có thể
cho thu hoạch ngót chục năm.

“Bình quân trồng
đến năm thứ 2, thứ 3 là mỗi ha có thể thu khoảng 1 tạ măng tây 1 ngày. Với giá
bán tại vườn từ 90-100 ngàn đồng/kg, bình quân mỗi ngày thu ngót chục triệu đồng.
1 tháng thu từ 270-300 triệu. Trong đó, chi phí đầu tư, chăm sóc, công cán… khoảng
2/3. Như vậy mỗi tháng mình cũng có thể thu khoảng 100 triệu đồng cho 1 ha măng
tây. Mỗi năm thu hoạch liên tục trong 9 tháng”, ông Ba tính toán.

Theo ông Ba
Nhoai, cây măng tây rất khó trồng, khó chăm, dễ mắc bệnh. Muốn thành công, đòi
hỏi người làm phải tập trung gần như toàn thời gian cho nó, thích nghi được với
cường độ lao động cao, lao động chuyên nghiệp, đúng giờ, đúng việc, tuân thủ kỹ
thuật như 1 công nhân công nghiệp. Đồng thời, phải nắm được đặc tính sinh trưởng,
nắm được kỹ thuật chăm sóc.

Măng tây xanh được
coi là rau nhà giàu, vì có giá trị dinh dưỡng cao, và giá đắt gấp nhiều lần các
loại rau thông thường. Nhưng, thành công với loài rau này không dễ.

Năm 2005, ngành
nông nghiệp TP.HCM từng đặt kỳ vọng cây măng tây xanh sẽ là một trong những
loài rau chủ lực trong tái cơ cấu cây trồng vùng nông thôn, nên đã phát động
nhiều hộ gia đình ở các xã Phước Vĩnh An, Tân Phú Trung, Trung Lập Hạ, huyện Củ
Chi trồng thử nghiệm, tổng diện tích 2ha. Chi phí đầu tư mỗi ha khoảng 70 triệu
đồng. Sau 1 năm, tỷ lệ sống đạt khoảng 60-70%. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 100
kg/ha.

Hai năm sau,
Trung tâm Khuyến nông TP tiếp tục phối hợp với một doanh nghiệp, mở rộng diện
tích trồng cây măng tây xanh với diện tích 4ha tại xã Nhuận Đức và Trung Lập Hạ,
huyện Củ Chi. Lần này, tỷ lệ sống cao hơn, đạt trên 70%, năng suất bình quân
tương đương, tức mỗi ngày thu khoảng 100kg măng/ha.

Trung tâm đã lên
kế hoạch xây dựng dự án trồng măng tây thành vùng sản xuất hàng hoá 10ha vào
năm 2010 và 100ha vào năm 2015 tại huyện Củ Chi.

Tuy nhiên, kế hoạch
này đã chết yểu vì nhiều lý do, trong đó có lý do việc chăm sóc măng tây cần sự
tỉ mỉ, kỹ càng và cả kỹ thuật, nhiều hộ trồng thử nghiệm không theo nổi.

Ông Phạm Phú Cường,
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cho biết, sau 2 lần trồng thất bại,
không còn hộ nào ở Củ Chi tham gia thử nghiệm trồng măng tây nữa.

Hiện ngoài mô
hình của ông Ba Nhoai, còn mọt hộ nữa là ông Võ Văn Giả, ở phường Trường Thành,
Q.9, cũng thành công với vườn măng tây 1.200 m2. Hiện, mỗi ngày ông Giả thu hoạch
được hơn 10kg măng tây, với giá thị trường khoảng 100 ngàn đồng/kg.

“Măng tây là
loại rau cao cấp nhưng kén đất, kén khí hậu, nên khó trồng, khó chăm, nhất là với
loại đất xám bạc màu như Củ Chi. Do đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu, nên măng
tây trồng ở TP.HCM có hình thức không bằng một số nơi khác, vừa nhỏ vừa ngắn
hơn. Nên giá trị cũng thấp hơn”, ông Trần Biện Vinh, Phó Ban Kinh tế, HND
TP.HCM.

Theo Hồng Thuỷ – Nông nghiệp Việt Nam