Tết của bà cụ xin thoát nghèo

Tết năm nay cụ bà xứ Thanh Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, cụ sẽ không nhận phần quà Tết dành cho hộ nghèo nữa. Câu chuyện xin thoát nghèo của cụ đã truyền cảm hứng tích cực trong cộng đồng.

“Tôi thấy mình không nghèo”

Cụ Đỗ Thị Mơ sống một mình trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ tại thôn Lương Thiện, xã miền núi Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Bỗng dưng trở thành… người nổi tiếng sau câu chuyện xin thoát nghèo, cụ kể vừa được mời ra Hà Nội để tham dự chương trình truyền hình quốc gia. Ở quê, nhiều người cũng tìm đến nhà cụ để thăm hỏi, trò chuyện với cụ. Đạp xe ra chợ bán rau cũng có người xin chụp ảnh cùng. Dường như, cuộc sống của cụ trở nên náo nhiệt hơn ngày thường và điều đó khiến tinh thần cụ thêm phấn chấn. Đó là những trải nghiệm thú vị mà lần đầu tiên cụ biết đến trong cuộc đời hơn 80 năm của mình.

Tết của bà cụ xin thoát nghèo - Ảnh 1.Cụ Nguyễn Thị Mơ

“Cụ Mơ đã được thoát nghèo. Bước sang năm 2020, cụ không còn thuộc hộ nghèo nữa. Vừa qua, địa phương đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho cụ để nêu gương “Tuổi cao – gương sáng”, góp phần động viên, cổ vũ người nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo”. Ông Lương Xuân Thiêm, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khỏe và tinh thần của cụ vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Trở về sau chuyến đi ra Hà Nội, cụ tiếp tục cuộc sống của một lão nông với những công việc thường nhật của mình. Mỗi buổi sáng cụ dậy sớm để ra vườn nhổ cỏ, cuốc đất, hái rau đem ra chợ bán. Ngoài những giờ lao động, thời gian rảnh cụ thích làm thơ, những bài thơ với nội dung răn dạy con cháu sống đẹp và đạo đức với người, với đời. Cụ nhẩm tính, mỗi buổi sáng đi chợ, cụ có thể kiếm được 30-50 nghìn đồng từ tiền bán rau và trứng gà, trung bình thu nhập 1 triệu đồng/tháng, trong khi đó, cụ ăn uống hết sức giản đơn. “Mỗi ngày tôi chỉ cần 5.000 đồng tiền ăn, một bò gạo là đủ, vẫn còn thừa tiền”, cụ nói. Đó là lí do cụ thấy mình không nghèo, thậm chí còn giàu hơn nhiều người khác ở địa phương.

Chồng cụ mất đã hơn 30 năm nay, cụ ở vậy nuôi 11 người con, trong đó 2 người con đã mất, còn lại đều đã có gia đình, cuộc sống ổn định. Cụ không muốn làm gánh nặng cho con cháu, cụ thích tự lập, vì vậy không ở chung với người con nào.

Cụ Mơ từng tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến. Đi qua những năm tháng “mưa bom bão đạn”, đến nay, trong cụ vẫn còn khí thế, nghị lực và tinh thần kiên cường của một nữ dân công hỏa tuyến năm nào. Khuôn mặt phúc hậu của cụ lúc nào cũng tươi tắn. Mỗi khi nói về chuyện thoát nghèo, giọng cụ trở nên hào sảng và kiên định. “Tôi tự thấy bản thân mình vẫn khỏe mạnh, còn thừa khả năng lao động để tự nuôi thân. Trong xã hội vẫn còn nhiều hoàn cảnh ốm đau, bệnh tật hay bị nhiễm chất độc da cam cần sự giúp đỡ hơn tôi”, cụ Mơ giãi bày.

Không chỉ trong chuyện thoát nghèo, lối sống thường ngày của cụ Mơ cũng khiến nhiều người yêu mến và kính phục. Chị Cầm Thị Xuân (trú tại xã Lương Sơn) bày tỏ: “Những người như cụ quả thật là đáng quý và trân trọng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tinh thần của cụ vẫn trẻ và văn minh. Cách sống của cụ khiến chính những người trẻ như chúng tôi cần phải tự nhìn lại mình ở cách ứng xử với người, với đời”.

Mong một cái Tết đoàn viên bên con cháu

Mỗi khi Tết đến, cụ đi chợ mua đồ, cũng là cảnh “ngày 30 Tết thịt treo trong nhà” như mọi gia đình khác. Cụ dọn dẹp nhà cửa, gói bánh, làm mâm cơm cúng tổ tiên… Với cụ Mơ, ngày Tết là ngày lễ thiêng liêng, những nét truyền thống ngàn năm tổ tiên để lại không được bỏ quên. Những ngày Tết, các con, cháu sẽ về thăm cụ để ăn những bữa cơm gia đình đoàn viên.

Tết của bà cụ xin thoát nghèo - Ảnh 3.Cụ Mơ mong Tết này con cháu cụ cụ sẽ đoàn viên

Chia sẻ về mong muốn của mình trong năm mới, cụ Mơ cho biết, bản thân không có ước vọng gì riêng tư, vì mong muốn thoát nghèo đã đạt được. Giờ đây, cụ chỉ cầu mong mọi người, mọi nhà đều được an lành, hạnh phúc, mong cho con, cháu sống hiếu thuận, có đạo lí, trở thành những người có ích cho xã hội.

Nói rồi cụ giở tập thơ mình sáng tác ra đọc, những vần thơ mộc mạc mà tha thiết, chứa chan những ước vọng cả đời của một người mẹ:

“Xem thơ suy nghĩ con ơi

Làm người phải tránh những lời thị phi

Mẹ già cũng chả cần chi

Mong con ứng xử như khi mẹ còn…”.