Nông dân hết mặn mà với cây cà phê

Thời điểm này, các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đang rộ vụ thu hoạch. Tuy nhiên, sản lượng cà phê năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Ông Đỗ Kế, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thu hoạch cà phê.
Ông Đỗ Kế, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức thu hoạch cà phê.

Ông Đỗ Kế, thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đang trồng 2,5ha cà phê. Vụ thu hoạch năm 2018, ông Kế thu được hơn 4 tấn cà phê, tuy nhiên, năm nay năng suất cà phê giảm mạnh, chỉ còn chưa đến 3 tấn. Ông Kế nhận định: “Nguyên nhân chính khiến cà phê mất mùa là thời tiết không thuận lợi. Năm nay mưa sớm, nhưng đến tháng 10 lại không có mưa mà nắng kéo dài nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê ở giai đoạn quả kết nhân. Ngoài ra, đa số các cây cà phê trong vườn đều đã già cỗi. Giá giảm, tiền phân bón tăng, nên tôi không đầu tư chăm sóc nữa”.

Cùng với việc năng suất không đạt như kỳ vọng, giá cà phê cũng giảm mạnh so với năm ngoái. Gia đình ông Vương Khả Phú, thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức có 2ha trồng cà phê xen canh đang bước vào vụ thu hoạch. Ông Phú cho biết, thương lái chỉ đang thu mua loại nông sản này với giá 31-32 ngàn đồng/kg, thấp hơn 3-4 ngàn đồng/kg so với năm 2018.

Đà sụt giá của cà phê trên thực tế đã kéo dài trong suốt 4 năm qua. Nếu như cùng thời điểm này của năm 2016 cà phê có giá 45 ngàn đồng/kg, năm 2017 là 38 ngàn đồng/kg, năm 2018 là 34-35 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ là 31-32 ngàn đồng/kg. Ở chiều ngược lại, chi phí sản xuất ngày càng tăng lên. Ví dụ như giá nhân công thu hái hiện nay đã lên đến 220 ngàn đồng/ngày, tăng 20% so với năm ngoái. Chi phí phân bón cũng tăng 30-40% trong vòng ít năm.

Ghi nhận từ các DN cho thấy, nguyên nhân giá cà phê đầu vụ giảm sâu là do từ nhiều tháng nay, xuất khẩu cà phê gặp khó khăn khi thị trường lớn là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác cũng đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. Hiện cà phê lại đang vào niên vụ thu hoạch mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, những năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức thấp, lại thêm tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của loại cây này. Điều này đã khiến nhiều nông dân nản lòng, không còn mặn mà đầu tư trồng mới cà phê, thậm chí chặt bỏ. Đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh chỉ còn khoảng 5.040ha, giảm gần 600ha so với năm 2018, năng suất trung bình đạt gần 19 tạ/ha. Trong thời điểm này, phần lớn diện tích này được bà con nông dân chuyển sang trồng một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng. Về lâu dài, tỉnh sẽ không tăng diện tích cà phê mà chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trên diện tích cà phê hiện có, đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững cũng như khuyến khích phát triển cây cà phê đặc sản.

Baobariavungtau.com.vn