
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc công ty du lịch Dấu ấn Việt (Vietmark) nói rằng, chỉ vài năm nữa, “Phan Rang – Tháp Chàm của Ninh Thuận sẽ là điểm đến nổi bật trong tứ giác du lịch thuộc vùng Nam Trung bộ. Vùng đất này có những giá trị độc nhất vô nhị, trong khi các điểm đến khác đã quá quen thuộc”.
Một chuyến đi của những cảm xúc rất lạ…
Cuối năm 2018, cùng với một người bạn, Bảo về Phan Rang – Tháp Chàm bằng xe hai bánh. Lần đầu tiên Bảo chọn hành trình “khó và xa”: Sài Gòn – Dầu Giây – ngã ba Phi Nôm – vượt đèo Ngoạn Mục (hay còn gọi là đèo Sông Pha), xuyên Ninh Sơn là tới Phan Rang – Tháp Chàm. Bảo cười: “Đường xa gấp đôi, khó đi hơn so với đi quốc lộ 1 và mệt hơn, nhưng bù lại là những cảm xúc rất lạ”.

Màu xanh của những vườn cà phê và màu vàng hoa dã quỳ… loang loáng. Khó lắm mới tìm được quán ăn, chỉ còn món bún muộn màng ngày giáp tết.
Theo lời Bảo kể, từ Dran xuống đèo Sông Pha là những góc cua không dành cho những ai “yếu tim” nhưng con đường ấy chẳng hoang vắng như anh nghĩ. Có đến hàng trăm chiếc xe hai bánh của sinh viên ĐH Đà Lạt nhắm hướng Phan Rang – Tháp Chàm mà đến!

Phan Rang – Tháp Chàm không còn xa
Cuối tháng 7.2019, Tuấn Khoa sẽ nhận dẫn tour Sài Gòn – La Gi (Phan Thiết) – Phan Rang – Tháp Chàm 4 ngày 3 đêm cho đoàn khách với số lượng 120 người.
Khoa cho biết lịch trình của tour này: 6 giờ xuất phát tại Sài Gòn, cộng thêm thời gian nghỉ ngơi trên đường, đến La Gi chừng 11 giờ (150km), ăn trưa rồi nhận phòng. Với đoạn đường còn lại (180km), 8 giờ hôm sau tiếp tục đi Phan Rang. 12 giờ trưa là tới Phan Rang – Tháp Chàm. Nghỉ ngơi ở đây 2 đêm.
Tuấn Khoa nói: “Giờ có nhiều khách ở Sài Gòn thường đi tour Sài Gòn – Phan Rang – Tháp Chàm như vậy. Đường sá thuận lợi, các xe thường chạy ven biển, một chút đến Phan Rang – Tháp Chàm. Nơi đây sẽ có nhiều điều thú vị vì sự mới lạ, nhiều giá trị, từ văn hóa – lịch sử cho đến ẩm thực để du khách khám phá”.

So với nhiều địa danh của tứ giác du lịch Nam trung bộ, ngoài hai món đặc sản “nắng và gió”, Phan Rang – Tháp Chàm nói riêng, Ninh Thuận nói chung còn có những món đặc sản khác mà nhiều nơi không thể có hoặc có mà nhạt.
Đó là bề dày lịch sử của vương quốc Champa ngày xưa với ngôi tháp Polong Garai. Là những làng nghề đậm nét văn hóa Chăm như làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp… Gà, dê, cừu là những loại thực phẩm nghe thì quen nhưng thịt săn chắc vì nắng và gió, lại nấu theo khẩu vị Phan Rang lạ miệng mà ngon như món cơm gà Phan Rang! Nói về ẩm thực, còn có những món ăn riêng của xứ này: bánh căn, bánh canh, bánh hỏi lòng heo, nem nướng cuốn bánh tráng, gỏi cá mai, giông bằm…
Đặc biệt, do độ mặn của nước biển mà hải sản vùng đất Ninh Thuận cũng đậm đà hơn so với những vùng biển khác. Chiều, ra hóng gió biển ở bãi Ninh Chữ – Bình Sơn, lai rai với mực khô hay là những món hải sản tươi như vừa vớt từ biển lên… Vừa ăn, vừa hỏi chuyện những người dân chân chất thật thà, quả thực bình yên.
Miền đất Ninh Thuận giờ đã trở nên gần gũi hơn với du khách trong và ngoài nước. Theo sở Du lịch Ninh Thuận, năm 2018, đã có 2,2 triệu du khách đến với Ninh Thuận. Năm 2019, mục tiêu là 2,35 triệu khách. Chỉ riêng tại lễ hội vang và nho Ninh Thuận hồi cuối tháng 4.2019, đã có 120.000 khách đến với Ninh Thuận, gấp 3 lần so với cùng sự kiện năm 2018.
Chỉ 1-2 năm nữa, khi nhiều cơ sở nghỉ dưỡng hiện đại như tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại khu công viên biển Bình Sơn đi vào hoạt động, du khách sẽ đến với mảnh đất này nhiều hơn. Bởi lẽ, SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sẽ đưa đến Phan Rang – Tháp Chàm nói riêng, Ninh Thuận nói chung không chỉ một điểm lưu trú cao cấp 5 sao quy mô châu Á, mà còn tràn ngập các dịch vụ vui chơi, giải trí và nghệ thuật…
