Người đem rau rừng về phố

Câu chuyện của chị như hiện ra trước mắt người nghe những ngày cơm đùm gạo bới băng rừng lội suối đi tìm nguồn rau rừng đặc sản về cung cấp cho thị trường.

Người ấy chính là chị Lê Thị Thanh Thúy, sinh năm 1978, ngụ xã Gia Lộc, H.Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Lia chiếc liềm vào các chồi non, chị kể lại quá trình hình thành trang trại rau rừng Thanh Thúy.

“Cách đây chừng 15 năm, mình theo mấy ông anh chèo xuồng ba lá đi hái rau rừng (các loại như chùm mòi, bí bái, lộc vừng, mặt trăng…) về bán cho các sạp rau ngoài chợ để tăng thu nhập gia đình. Rồi các loại rau rừng ngày càng được ưa chuộng, bạn hàng đặt số lượng ngày càng nhiều, giá thành cũng cao hơn, thì rau dọc bờ sông không còn để hái, anh em mình phải khăn gói lên rừng, có khi đến tận Bình Phước,
Đồng Nai”.

Nguoi dem rau rung ve phoChị Thúy bên vườn rau rừng

Câu chuyện của chị Thúy như hiện ra trước mắt người nghe những ngày cơm đùm gạo bới băng rừng lội suối đi tìm nguồn rau rừng đặc sản về cung cấp cho thị trường. Chính những ngày tháng cực khổ ấy chị đã nảy sinh ý tưởng mang các loại cây “rau rừng” về trồng thử trong vườn nhà. Nghĩ vậy nên mỗi lần đi là mấy anh em lại hì hục đào vài gốc rau rừng mang về trồng thử.

Khu đất hơn 1ha của gia đình chị Thúy dần xuất hiện những gốc rau rừng lá nõn xanh. Thành công nên anh em chị tiếp tục phủ xanh vườn nhà bằng các loại cây rừng ăn lá như chùm mòi, bí bái, lộc vừng, mặt trăng, lá cách, sao nhái, trâm ổi,
quế vị…

Tuy nhiên, nguồn rau vẫn không đủ cung cấp cho thị trường nên chị Thúy đã mạnh dạn đề nghị nhiều hộ nông dân trong xã hợp tác cùng trồng rau rừng để chị thành lập trang trại. “Trang trại rau rừng Thanh Thúy” được thành lập vào năm 2010 và cung cấp sản phẩm cho nhiều siêu thị và chợ ở TP.HCM, giúp cho hàng chục hộ nông dân tại địa phương có thu nhập ổn định. Là bà chủ nhưng hằng ngày chị Thúy vẫn tất bật với các công việc cắt rau, gom rau, phân loại, đóng gói…

Chúng tôi hỏi bí quyết để lúc nào cũng có rau tươi non, chị Thúy cười: “Không có bí quyết nào hết. Chỉ có kinh nghiệm thôi. Rau rừng là loại cây ăn lá nên vườn cần giữ ẩm, tưới nước đều để lúc nào cũng có chồi non. Đặc biệt, không được bón phân hóa học, vì sẽ làm lá non bị cứng, không hợp thị trường. Phải bón phân chuồng, nhưng cũng chỉ cho cây ăn phân từ từ chứ không ồ ạt.

Hiện tại, mỗi ngày trang trại rau rừng Thanh Thúy xuất khoảng một tấn rau về các siêu thị tại TP.HCM. Nhân công làm các công việc như rửa rau, phân loại, vào bao, dán nhãn… tại trang trại có thu nhập 200.000 đồng/ngày. “Mấy năm nay bà con nông dân, công nhân luôn có việc làm nhờ rau rừng, mình vui lắm, vì không nghĩ rau rừng về phố lại thành công đến vậy” – chị Thúy vui vẻ.

Toàn xã có khoảng 30 hộ gia đình tham gia mô hình trang trại của chị Thúy. Hộ nào ít cũng có một công (1.000m2), hộ nhiều thì 6 – 7 công. Trung bình mỗi công cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Thúy cung cấp cây giống, đồng thời thu mua lại sản phẩm. 

Chị Trần Thị Ngọc Cẩm – Phó chủ tịch xã Gia Lộc – cho hay, từ ngày có trang trại rau rừng của chị Thúy, nhiều chị em lao động trong xã đã có thu nhập cao hơn rõ rệt. Chị em ai có đất thì trồng rau, ai không có đất thì nhận công việc rửa rau, phân loại, đóng gói… Không chỉ mang lại việc làm cho chị em, chị Thúy còn là Mạnh Thường Quân của nhiều hoàn cảnh khó khăn, là gương lao động tiên tiến nhiều năm liền của xã”.

Báo Phụ Nữ