Dùng mật ong sao cho đúng?

Sữa ong chúa, mật ong rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, song có không ít hiểu nhầm về tác dụng và cách sử dụng các sản phẩm này.

Sữa ong chúa: Thực phẩm bổ dưỡng

Không như nhiều người lầm tưởng, sữa ong chúa hoàn toàn không là sản phẩm của ong chúa mà của con ong thợ. Nó là một chất tiết giống như sữa được tạo ra bởi những con ong thợ từ 5 – 15 ngày tuổi. Sữa ong chúa ở dạng sánh, màu vàng mỡ gà hay vàng nhạt, vị đắng và chua nhẹ.

Tác dụng chính của sữa ong chúa là bổ sung chất dinh dưỡng bởi thành phần khá đa dạng: 60 – 70% nước, 12 – 15% đạm, 10 – 16% đường, 3 – 6% chất béo, 2 – 3% vitamin, ngoài ra còn có muối, axít amin. Sữ a ong chúa còn chứa nhiều vitamin nhóm B, vitamin A, C, E và K, nhiều nguyên tố vi lượng, 20 axít amin quan trọng, đặc biệt là 12 axít amin thiết yếu (cơ thể người không tổng hợp được).

BS Trần Văn Năm, nguyên Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết, sữa ong chúa là nguyên liệu quan trọng dùng bào chế các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường hoạt động cơ thể (thuốc bổ dưỡng); phù hợp cho những người suy nhược sau khi mắc bệnh nặng, người bị mệt mỏi sau lao động quá mức (trí óc, tay chân), những người có sức khỏe bình thường (không tìm thấy một loại bệnh nào đó) nhưng ăn ngủ kém.

Dung mat ong sao cho dung?
Ảnh minh họa: Internet

Tùy theo dạng bào chế, tuổi, cân nặng và tình trạng bệnh, liều dùng sữa ong chúa thường dao động từ 2 – 5g/ngày, theo đường uống. Chưa có tài liệu khoa học nào đề cập đến việc dùng sữa ong chúa ngoài da.

Hiện sữa ong chúa được sản xuất với nhiều dạng chế phẩm, với hàng loạt các tác dụng chữa bệnh như: tăng cholesterol, hen phế quản, bệnh lý của gan, viêm tụy, mất ngủ, hội chứng tiền kinh nguyệt, loét dạ dày, bệnh thận, gãy xương, các rối loạn của da, tăng miễn dịch, hói đầu, ung thư… Tuy nhiên, những tác dụng kể trên hiện chưa đủ cơ sở khoa học chứng minh.

Sữa ong chúa vẫn có thể gây ra những tác dụng không mong muốn trên một số cơ địa, như tăng nặng cơn hen phế quản, phù niêm mạc miệng, có thể gây sốc nặng; ít gặp hơn là gây chảy máu đại tràng, kết hợp với đau dạ dày và tiêu chảy. Đặc biệt, những đối tượng sau càng cần thận trọng hơn khi sử dụng: có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, viêm nhiễm nặng ngoài da, hen phế quản, cơ địa dị ứng…

Cần lưu ý thêm: sữa ong chúa có thể gây giảm nhẹ huyết áp; người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông máu (warfarin, coumadin) uống cùng sữa ong chúa có thể bị chảy máu (hoặc xuất huyết dưới da).

Lưu ý khi sử dụng mật ong

Nhiều người vẫn quen pha mật ong với nước sôi hoặc nước nóng. Theo BS Lai Ngọc Hiền, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, chỉ nên pha với nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm vì trong mật có một số men, phấn ong, nếu pha với nước sôi thì những thành phần này sẽ bị mất đi hoặc biến chất.

Những người bị bệnh tiểu đường không nên lạm dụng vì trong mật ong có chứa nhiều loại đường hấp thu nhanh, dùng không đúng liều lượng dễ làm tăng chỉ số đường huyết. Không dùng mật ong cho trẻ dưới hai tuổi vì bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn chỉnh, không tiêu hóa được một số men chứa trong mật. Tuyệt đối không dùng mật ong khi đang bị tiêu chảy cấp.

Không nên dự trữ mật lâu ngày vì hầu hết mật tại Việt Nam được thu hoạch thủ công, không qua quy trình tinh chiết và xử lý nên nhiều khả năng bị nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn. Một số loại men trong thành phần của mật có tính axít, nếu dùng bình nhựa, kim loại để chứa đựng có nguy cơ bị tương tác sinh ra chất độc không thể kiểm soát được. Nhiệt độ cao cũng sẽ làm mật bị biến chất, đổi màu. Do đó, nên lưu trữ mật trong lọ thủy tinh, ở nhiệt độ từ 21-25 độ C.

Trường hợp thấy mật bị đổi màu, sủi bọt, biến vị và mùi thì không nên dùng. Mật ong vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa ho khan, không có đàm; giảm táo bón trong những trường hợp thiếu tân dịch (cơ thể bị nhiệt, thiếu nước, đi phân khô); góp phần điều hòa axít dịch vị. Liều dùng có thể từ 12-40gr/ngày; trường hợp bị ho thì nên cho thêm vài lát gừng tươi và hạnh nhân.

Theo An Hà
Phụ nữ TP.HCM