Đau gì “đứt ruột đứt gan”?

Từ đâu mà dân gian lại có sự liên tưởng như vậy nhỉ? Bởi nếu nói đến sự đau đớn thì có thể có nhiều bộ phận thân thể đem ra ví von chứ đâu cứ chỉ là ruột gan.

Ảnh: internet

Khi cần diễn tả nỗi đau đớn, khổ sở, xót xa đến cực độ, người ta thường hay dùng thành ngữ “đứt ruột đứt gan” để mô tả.

Ví dụ: “Cứ trông thấy cảnh mẹ con nhà nó chịu đói khát, nhà chẳng còn gì, có khi phải ăn cháo cám cầm hơi, tôi thương đến đứt ruột đứt gan” (Tổng tập Văn học Việt Nam). Đau xót được ví với tình cảnh như đứt từng khúc ruột quả là đến mức tột cùng của nỗi đau. Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du cũng dùng từ “đoạn trường” (đứt ruột) để mô tả nỗi gian truân, khổ cực khôn cùng của nàng Kiều trong cuộc đời trầm luân dâu bể của mình.

Nhưng từ đâu mà dân gian lại có sự liên tưởng như vậy nhỉ? Bởi nếu nói đến sự đau đớn thì có thể có nhiều bộ phận thân thể được đem ra ví von (như tay, chân, đầu… chẳng hạn) chứ đâu cứ chỉ là ruột gan?

Có một xuất xứ tới câu thành ngữ này.

Theo Từ điển Thành ngữ điển cố Trung Quốc (Lê Huy Tiêu dịch, NXB Khoa học Xã hội, 1993) thì vào đời Tấn (266-420 sau Công nguyên, một trong sáu triều đại hậu Tam Quốc bên Trung Hoa, với sự “thống nhất sơn hà” của Tư Mã Viêm), có một vị quan tên là Hoàn Ôn.

Một lần Hoàn Ôn dẫn quân đi chinh phạt, hành binh ngược dòng sông Tam Hiệp. Dọc đường, quân sĩ bắt được một chú khỉ con đang lang thang ở vách núi và bỏ vào thuyền đùa rỡn. Khỉ mẹ thấy con bị bắt, liền men theo bờ sông và cứ thế khóc gào, rất thảm thiết.

Tuy mệt và sức yếu, khỉ mẹ vẫn cố đuổi theo thuyền của quân sĩ đến hơn 100 dặm (dặm: đơn vị đo độ dài của Trung Quốc gần bằng 500 mét) và ráng hết sức bình sinh nhảy được lên thuyền. Nhưng khỉ mẹ cũng chỉ cố gắng được đến thế. Nó gắng gượng nhìn đứa con thân yêu lần cuối rồi lăn ra chết.

Quân sĩ của Hoàn Ôn rút gươm mổ bụng khỉ mẹ và kinh ngạc thấy tất cả ruột của khỉ mẹ đều bị đứt ra từng đoạn. Người đời sau dùng thành ngữ “can trường thốn đoạn” (can: gan, trường: ruột, thốn/ đoạn: đứt, có nghĩa là “ruột gan đứt từng đoạn”) để chỉ nỗi đau thương quá mức bình thường, không sao tả xiết.

Trong cuộc sống, chúng ta ai cũng từng có niềm vui khôn cùng nhưng đôi khi cũng có cả nỗi đau khôn tả. Nỗi đau đó, người đời phải lấy hình tượng “gan ruột đứt ra từng đoạn” để ví mới xứng đáng:

Nỗi đau khỉ mẹ ngày xưa
Mà ta vẫn thấy như vừa hôm qua…

Theo PGS-TS. Phạm Văn Tình
Người đô thị