Ai thả “cô Vy” vào TPHCM? Bệnh nhân 1.342 hay 1.347?

Ai thả “cô Vy” vào TPHCM? Bệnh nhân 1.342 và 1.347. Đành là thế! Nhưng không có sự mất cảnh giác của chúng ta sao?

Chiều tối 30/11, thông tin ca nhiễm COVID-19 thứ 1.347 tại Việt Nam đã khiến người dân cả nước như ngừng thở. Sau 89 ngày bình yên, bóng ma COVID-19 lại ám ảnh trong tâm trí mỗi người, đi kèm bao âu lo về tương lai.

Không có gì phải bàn cãi ở đây cả. Bệnh nhân 1.342 đã thiếu ý thức trong việc tuân thủ cách ly. Bệnh nhân 1.347 cũng thiếu ý thức khi dọn đến sống chung với 1.342, khi bạn mình đang trong thời gian cách ly phòng dịch.

Có thể rồi đây họ sẽ bị xử lý, như công điện khẩn của Bộ Y tế phát đi tối 30/11, rằng sẽ “xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng”. Nhưng, xin hãy nhìn rộng ra một chút, để thấy câu chuyện đáng sợ hơn là chỉ một ca bệnh.

Bệnh nhân 1.342 trở về nước ngày 14/11, được cách ly tập trung tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý, được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần và đều cho kết quả âm tính. Ngày 19/11, tức chỉ 5 ngày sau, bệnh nhân 1.342 được cho về cách ly tại nhà.
Tại sao không phải là 14 ngày mà chỉ là 5 ngày? Phải chăng sau nhiều chuyến bay an toàn, chúng ta đã lơ là trong việc cách ly người nhập cảnh, để rút ngắn thời hạn cách ly? Phải chăng bệnh nhân 1.342 đã không buồn cảnh giác nên vẫn để bạn đến sống chung trong thời gian mình đang cách ly? Phải chăng bệnh nhân 1.347 cũng coi thường nguy cơ dịch bệnh, dọn đến ở với bạn để rồi bị lây nhiễm?

Và rồi 1.347 vẫn hồn nhiên đi dạy học, vẫn đi uống cà phê, vẫn đi chơi… bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng rằng dịch bệnh vẫn đang hoành hành khắp thế giới, rằng nước ta vẫn đầy nguy cơ và các lực lượng chống dịch vẫn đang làm việc ngày đêm để cố gắng giữ sự bình yên cho mọi người.

Dường như đã không ai buồn để ý đến cảnh báo về mùa đông sắp đến – điều kiện thời tiết tốt để virus phát triển. Dường như đã không ai lo ngại về chuyện mức xử phạt người không đeo khẩu trang đã được nâng từ 100.000 – 300.000 đồng lên gấp 10 lần.

Kể cả khi Hà Nội đã xử phạt một số cá nhân lỗi không đeo khẩu trang nơi công cộng với mức phạt 2.000.000 đồng/người thì khắp phố phường, siêu thị, hàng quán… vẫn đầy người không đeo khẩu trang hoặc có đeo cũng kéo xuống dưới cằm, thành một loại “cổ trang” kỳ dị.

Nếu hệ thống giám sát chặt chẽ và sự phòng bị của người dân chu đáo, chúng ta hy vọng có thể kiểm soát được ca nhiễm 1.347 không lây lan ra cộng đồng và đó là điều tất cả mọi người đang mong đợi. Nhưng “nếu” vẫn là nếu. Những gì đang hiển hiện trước mắt chúng ta cho thấy chữ “nếu” kia là hết sức mong manh.

Tối 30/11, khắp các group, các mạng xã hội là những status âu lo. Người bảo nhau đi mua khẩu trang, người lo khẩu trang lại tăng giá (dù điều này đã được cơ quan chức năng xác định là lo hão).
Vì sao phải đợi đến khi có ca nhiễm mới lo âu? Vì sao trong những ngày “bình yên”, chúng ta dễ dàng bỏ qua cảnh báo từ lực lượng y tế? Nếu đã biết, đã trải nghiệm sự khủng khiếp của đời sống giãn cách, đóng cửa khi COVID-19 hoành hành thì đừng đợi “mất bò mới lo làm chuồng” và đừng đợi tới khi có ca bệnh mới giật mình đã quá thờ ơ.

Ai thả “cô Vy” vào TPHCM? Bệnh nhân 1.342 và 1.347. Đành là thế! Nhưng không có sự mất cảnh giác của chúng ta sao?

Theo Phạm Thành Nhân – Báo Phụ nữ