Người thợ đắp rồng tài hoa

Khi bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, những nghệ nhân dân gian trở thành “vốn quý”. Ông Nguyễn Văn Tuấn là một trong những vốn quý ấy.

Cùng với sự nghiệp đổi mới, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và
phát huy, những nghệ nhân dân gian trở thành “vốn quý”. Ông Nguyễn Văn Tuấn ở Làng Yên, xã Thạch
Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội là một trong những vốn quý ấy…

Rồng là con vật linh thiêng, thường ngự trên nóc đình, đền,
miếu… làng quê nào cũng được đắp đôi rồng chầu mặt trời. Các cụ xưa đắp vẽ nhiều kiểu rồng, ngoài
rồng chầu, còn có rồng cuốn, rồng ẩn, rồng phun nước, rồng quần long, rồng độc long…

Ông Tuấn cho
biết: “Để đắp, phục hồi cho đúng, cho đẹp, phải am hiểu về lịch sử, văn hóa, trang trí cổ. Vì mỗi
thời đại có đặc trưng trang trí khác nhau. Ví như rồng thời Lý Trần trông dáng hiền lành, vây tóc
trải xuôi, đuôi không xoắn ốc, chân có 4 móng. Rồng thời Nguyễn thì giương vây, mắt lồi, giơ vuốt,
chân 5 móng, tóc tai vểnh ngược như tai lửa, đuôi xoắn, trông dáng vẻ dữ dằn, thể hiện uy quyền của
vua chúa phong kiến”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn.Ông Nguyễn Văn Tuấn

Ông Tuấn đắp phục chế hơn trăm con rồng ở các di tích nổi tiếng
vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tâm đắc nhất là đôi rồng ở đình Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ông
cho tôi xem bức ảnh chụp đôi rồng dáng ngạo nghễ ngẩng cao đầu, mình uốn khúc, chân đạp hoa vân như
đang bay về phía mặt trời. Ông bảo: “Có ngôi đình trên nóc chỉ còn đoạn đuôi và vài chi tiết khác,
phải đối chiếu, phân tích xem đó là rồng thời nào để phục hồi lại cho phù hợp với nguyên tác”.

Không chỉ giỏi đắp rồng, ông Tuấn đắp các họa tiết trang trí cổ
khác cũng rất tài hoa, đã phục hồi nhiều cột đồng trụ ở các đình, đền. Mỗi cột trụ là một tác phẩm
nghệ thuật độc đáo mà phần ngọn là khó nhất. Trên ngọn trụ đắp 4 con phượng, đuôi chổng ngược, mình
cúi sát chân, đầu chìa ra 4 góc. Phía dưới là ô vuông lõm, một bên đắp nổi tứ linh mỗi ô một con
long, li, quy, phượng. Còn trụ bên kia đắp nổi tứ quý, mỗi ô một cây tùng, cúc, trúc, mai.

Ở các di tích, không chỉ có hình tượng rồng, phượng còn có các vật
linh khác trang trí trên mái, trên đầu trụ đó là con nghê. Có nhiều kiểu dáng như nghê vái, nghê
chồm, nghê chầu, nghê ngồi, nghê kìm… Tùy đặt ở đâu mà có kiểu dáng và tên gọi khác nhau. Có con
như tung bờm từ trên chồm xuống, có con ở dưới vươn cổ xông lên. Vây tóc thường là số lẻ 3, 5, 7
theo âm dương ngũ hành. Những con nghê thời Lê vẩy thường chạm nổi, nghê thời Nguyễn vẩy được khảm
sành sứ. Tuy là con vật tưởng tượng, nhưng nghê do ông Tuấn đắp dáng rất cân đối, có thần.

Ngoài đắp rồng, đắp nghê, ông Tuấn còn đắp tranh phù điêu tứ quý,
tranh phong cảnh… từng được trưng bày trong các cuộc triển lãm thủ công mĩ nghệ, được tặng nhiều
Giấy khen. Để những vật linh trang trí quanh năm dãi dầu mưa nắng bền lâu, ông Tuấn dùng nguyên vật
liệu cổ truyền là vôi, giấy trộn mật mía nhào kĩ dẻo như kẹo kéo, kết hợp xi-măng cốt thép…

Tài hoa
có tiếng nên ông Tuấn làm không hết việc, di tích này tu sửa chưa xong thì di tích khác lại đang
chờ sẵn. Nhiều người là học trò của ông nay đã thành danh, đứng ra mở xưởng riêng. Tuy tuổi đã cao,
ông thường xuyên học hỏi nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng làm đẹp cho
đời.

Ông Nguyễn Văn Tuấn được Liên hiệp Hội Làng nghề Việt Nam phong
tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam và Chủ tịch UBND TPHà Nội tặng Danh hiệu Nghệ
nhân Hà Nội đắp phù điêu.

Khương Duy Anh