Tại buổi giao lưu trực tuyến về bệnh hô hấp, BS.CK1 Lương Võ Quang Đăng đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích để phòng tránh và điều trị bệnh hô hấp trong mùa lạnh.
Vào mùa lạnh như mùa thu, mùa đông, người trung niên và cao tuổi dễ mắc bệnh đường hô hấp. Những người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa lạnh thì bệnh rất dễ tái phát dễ xuất hiện các biến chứng.
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa thu và mùa đông người cao tuổi hay gặp nhất, gây nên hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi; đau rát họng gây ho, tức ngực, có khi gây khó thở…
Một số bệnh mạn tính kéo dài ở người cao tuổi như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh.

Buổi giao lưu trực tuyến về bệnh hô hấp vào 11h30 ngày 1/10 do
BS.CK1 Lương Võ Quang Đăng đảm nhiệm trả lời sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức phòng chống và chữa trị bệnh hô hấp khi thời tiết mỗi ngày một lạnh hơn.
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU TRỰC TUYẾN
-
Ánh Nguyệt - nguyetle…@yahoo.com
Chào bác sĩ,
Tôi 66 tuổi, tôi thường bị đờm nhiều và khó thở vào mùa
lạnh. Tôi sống một mình tại Đắk Lăk nên đi lại bất tiện. Trường hợp của tôi có
thể tự mua thuốc cho tiêu đờm được không, liều dùng như thế nào và nên dùng trong
thời gian bao lâu thưa BS? Xin chân thành cảm ơn!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bác,
Triệu
chứng ho khạc đàm và khó thở vào mùa lạnh có thể liên quan đến bệnh lý viêm
nhiễm ở tai mũi họng hoặc đường hô hấp. Triệu chứng đàm nhiều, đàm đục hoặc đổi
màu, hoặc có mùi hôi là những báo hiệu của tình trạng nhiễm trùng, cần phải
điều trị với kháng sinh thích hợp, vì vậy tôi khuyên bác nên sắp xếp đi khám
tại cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài
ra, bác nên chích ngừa cúm mỗi năm 1 lần vào trước khi mùa lạnh đến (khoảng
tháng 7-8 hàng năm) và chích ngừa phế cầu một lần duy nhất để phòng tránh cảm
cúm và nhiễm trùng hô hấp do phế cầu.
-
Đức Cường - leduc…@yahoo.com.vn
Chào bác sĩ,
Tôi 42 tuổi, hút thuốc lá khoảng 10 năm rồi. Gần đây tôi
đi bộ lên cầu thang thì thấy khó thở, kèm theo ho nhiều vào buổi sáng và tối.
Tôi tìm hiểu thì được biết có thể tôi bị bệnh phổi, cần đi kiểm tra phổi và nếu
được thì nên đo hô hấp ký.
Nhờ BS tư vấn giúp là tôi nên đến BV nào để tầm soát
bệnh? Tôi có nhất thiết phải đo hô hấp ký hay không, chi phí khoảng bao nhiêu?
Tôi xin cảm ơn.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn Cường,
Hút
thuốc lá với thời gian dài như bạn rất có thể đã gây ra nhiều tổn thương không
thể phục hồi cho 2 lá phổi. Điều này thường dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn
mạn tính (COPD).
Triệu
chứng của bệnh này là khó thở khi gắng sức khiến hạn chế các hoạt động từ nhẹ
đến nặng tùy mức độ và triệu chứng ho khạc đàm kéo dài do tình trạng viêm mạn
tính của niêm mạc đường hô hấp. Tôi thấy triệu chứng bạn mô tả rất giống với
các triệu chứng kể trên.
Để chẩn
đoán chính xác và phân mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bạn cần
được đo chức năng hô hấp (hô hấp ký). Bạn có thể đến khám tại bất kỳ bệnh viện
hoặc phòng khám nào có chuyên khoa hô hấp để được đo hô hấp ký và điều trị tùy
theo giai đoạn. Chí phí khoảng từ 400.000 - 500.000 đồng cho mỗi lần đo.
- Mỹ
Lệ - Biên Hòa, Đồng Nai
Xin BS cho biết triệu chứng khó thở ở người cao tuổi có
thể là dấu hiệu của bệnh gì? Có những triệu chứng nào kèm theo khó thở thì cần
phải đi khám bệnh? Bố mẹ tôi đều ngoài 60 tuổi nên tôi rất quan tâm vấn đề này.
Cảm ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu chứng khó thở ở người cao tuổi có thể báo
hiệu cho các bệnh lý của tim (suy tim, thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành, bệnh
màng ngoài tim...), phổi (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi,
tràn dịch màng phổi...), hoặc các bệnh lý thành ngực.
Như bạn đã thấy triệu chứng khó thở đơn thuần
cũng có thể báo hiệu cho 1 bệnh lý nguy hiểm vì vậy bạn nên đưa bố mẹ đi khám
sớm để được chẩn đoán và điều trị thích hợp không nên trì hoãn.
- Bích Ngà - forget…@gmail.com
Thưa bác sĩ,
Bố em năm nay 68 tuổi, khi ngủ bố em thường hay ngáy rất
to. Nhiều khi mẹ em lấy tay bịt một bên mũi thì bố em thở mạnh ra mới hết ngáy.
Bố em đang có bệnh cao huyết áp và đau dạ dày, uống thuốc đều đặn ạ. Em sợ
bố em bị ngưng thở lúc ngủ. Xin BS cho lời khuyên về trường hợp của bố em. Cảm
ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Bạn có
những lo lắng rất đúng, cảm ơn bạn đã nêu ra những băn khoăn về tình hình sức
khỏe của bố. Triệu chứng ngáy khi ngủ có thể liên quan đến hội chứng ngưng thở
lúc ngủ, hội chứng này có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp hoặc làm nặng
thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có.
Để làm
rõ liệu bố bạn có mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ hay không thì tôi khuyên bạn
nên đưa bố đến khám tại BV Đại học Y Dược hoặc BV Chợ Rẫy. Tại đây bố bạn sẽ
được thực hiện đo đa ký giấc ngủ, kết quả của việc đo đa ký giấc ngủ sẽ cho
biết bệnh nhân có bị cơn ngưng thở lúc ngủ hay không và xác định nguyên nhân
gây ngủ ngáy thuộc bệnh lý tai mũi họng hay từ trung tâm hô hấp để từ đó có
hướng điều trị thích hợp.
- Vũ
Văn Tiến – Thanh Hóa
Chào bác sĩ,
Hôm trước sau khi ngủ dậy vợ tôi cảm thấy hơi khó thở,
khi hít sâu hoặc vươn vai thì đau xương ức và càng khó thở hơn. Xin hỏi triệu
chứng của vợ tôi là bệnh gì? Có cần đi khám hay tự khỏi? Cảm ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Thông
tin bạn cung cấp hơi ít, tôi không biết tuổi của vợ bạn là bao nhiêu vì tùy vào
độ tuổi sẽ có những mối quan ngại về sức khỏe khác nhau. Với triệu chứng khó
thở và đau xương ức khi hít sâu hoặc cử động nửa trên cơ thể, tôi tạm nghĩ đến
triệu chứng này có liên quan với triệu chứng đau của cơ xương thành ngực.
Tuy
nhiên, với phụ nữ ngoài 50 tuổi hoặc đã mãn kinh thì triệu chứng đau ngực có
thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý về tim mạch, hô hấp. Vì vậy, tôi
khuyên bạn nên đưa vợ đi khám để được chẩn đoán và tư vấn kỹ hơn.
- Huyen
Nguyen - ngochuyen…@yahoo.com
Vào tháng 5/2015, tôi bị viêm phổi P và đã điều
trị khỏi , đến tháng 7/2015, tôi chụp X-quang thì lại chẩn đoán là
viêm phổi tái phát. Tôi đến BV Phạm Ngọc Thạch để khám thì họ cho
tôi chụp CT, sau đó thì nội soi phế quản để lấy dịch đi xét nghiệm (vì
tôi ho không có đàm).
Kết quả nội soi là bình thường, kết quả của xét
nghiệm 3BKTT là O-AFB, BS kết luận là tôi chỉ bị giãn phế quản và
cho toa uống thuốc. Đến 15 ngày sau thì có kết quả là cấy AFB dương
tính.
BS kêu tôi đi chụp X-quang lại và giải thích với
tôi là không bị lao mà chỉ giãn phế quản. Cũng ngày hôm đó tôi đăng
ký khám 1 BS khác (cũng ở BV) thì BS này lại nói là tôi bị viêm
phổi nặng kèm theo lao và cho tôi toa thuốc uống trị viêm phổi. Tôi
rất hoang mang và không biết mình bị bịnh gì :
- Tôi xem trên mạng thấy bị AFB dương tính tức là
bị lao, vậy sao BS lại không cho tôi thuốc chữa lao?
- Bị AFB dương tính có lây sang người khác hay
không? Vì tôi sắp nuôi cháu ngoại nên không biết có làm ảnh hưởng tới
em bé không?
- Tôi thấy tôi bình thường, không ho, sốt hay sụt
cân gì cả, vậy có chắc chắn là tôi có bị lao không?
Tôi bối rối quá , mong BS tư vấn dùm. Tôi cảm ơn
nhiều. Trân trọng.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bác,
Với các
thông tin bác cung cấp thì tình trạng bệnh của bác là lao phổi có BK (+), tình
trạng này có thể lây lan cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em.
Hiện
nay, bệnh lao phổi được điều trị theo chương trình chống lao quốc gia, hoàn
toàn miễn phí. Bác nên liên hệ trạm chống lao tại địa phương để được điều trị
đầy đủ và thích hợp, trong thời gian điều trị bác nên hạn chế tiếp xúc với cháu
nhỏ.
Các
triệu chứng ho, sốt hoặc sụt cân mà bác đã nêu là các triệu chứng không điển
hình, không giúp loại trừ bệnh lao.
-
Đoan Trang - Bình Phước
Chào bác sĩ,
Tôi hay bị khó thở khi hít vào và thường phải cố sức hít thở sâu mới dễ chịu. Khi ăn no, tình trạng này nặng hơn. Tôi đi khám, BS cho chụp phổi, đo chức năng hô hấp, siêu âm cổ… và cho thuốc uống nhưng không thấy đỡ. Xin hỏi tôi cần phải làm thêm xét nghiệm gì nữa để tìm ra bệnh? Mong BS tư vấn, tôi cảm ơn!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu
chứng của bạn mô tả có thể liên quan đến bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản
(GERD). Bệnh cạnh đó, bạn cũng không cung cấp chi tiết về các xét nghiệm bạn đã
làm có kết quả như thế nào và thuốc bạn uống là gì nên tôi chưa thể tư vấn cho
bạn kỹ hơn được.
Bạn có
thể đến khám tại phòng khám Yersin đồng thời mang theo các tài liệu trên để bác
sĩ có thể thăm khám và chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng nếu cần
thiết.
-
Minh Quốc - Cần Thơ
Thưa bác sĩ,
Tôi tên Quốc năm nay 47 tuổi, tôi muốn hỏi về tình trạng
sức khỏe của tôi. Bình thường thì cả ngày tôi không bị ho nhưng cứ mỗi lần tức
ngực thì tôi lại ho nhẹ nhưng mà kèm khạc ra máu, cả ngày ra ho ra máu từ 1 đến
2 lần.
Tôi có đi đến phòng khám và được ho chụp X-quang phổi, BS
chẩn đoán là phổi tôi bình thường. Tôi rất lo cho tình trạng sức khỏe của mình,
mong bác sĩ tư vấn giúp tôi cần điều trị như thế nào? Cảm ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu
chứng ho ra máu, ho khạc ra máu có thể liên quan đến các bệnh lý từ tai mũi
họng đến thanh quản, khí quản và phổi như là viêm nhiễm, lao, ung thư, dị dạng
mạch máu phổi. Bạn nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được tư vấn,
làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như CT- Scan phổi, nội soi phế quản hoặc
chụp hình mạch máu phổi nếu cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân ho ra máu.
-
Hoàng Long, 46 tuổi - TP.HCM
Thưa bác sĩ,
Mấy hôm nay tôi có hơi khó thở, tôi đoán có thể do áp lực
công việc. Chiều nay càng khó thở hơn, nằm hay ngồi cũng vậy, có cảm giác bị
chèn vật gì trong ống thở. Không biết đây là triệu chứng bệnh gì và phải khám ở
đâu? Mong bác sĩ cho ý kiến, tôi cảm ơn ạ.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Nam
giới ngoài 40 tuổi đã rơi vào nhóm nguy cơ của các bệnh lý tim mạch, đặc biệt
nếu có kèm hút thuốc lá và thừa cân, béo phì, ít vận động, cuộc sống có nhiều
áp lực.
Triệu
chứng bạn mô tả khá mơ hồ, có thể không liên quan đến bệnh lý đường hô hấp, tuy
nhiên không loại trừ có liên quan đến bệnh lý thiếu máu cơ tim. Để chắc chắn
bạn nên đi khám tổng quát để tìm nguyên nhân khó thở như trên cũng như tầm soát
các yếu tố nguy cơ bệnh lý tim mạch.
-
Hồng Minh - Khánh Hòa
Xin chào Ongbachau.vn,
Tôi muốn hỏi về trường hợp của ba tôi. Năm nay ba tôi 64
tuổi, bị cao huyết áp nhưng uống thuốc mỗi ngày nên huyết áp cũng ổn. Gần 2
tháng nay, khoảng 4-5h sáng ba tôi bị khó thở kèm theo đau ngực. Vị trí đau như
trong hình đính kèm. Cơn đau kéo dài khoảng 2-3 phút, nếu đang đau mà ba tôi ợ hơi hay xì hơi được
thì lập tức hết đau.
Do 1 tuần mới bị 1 lần nên ba tôi chưa chịu đi khám bệnh.
Hơn nữa, kết quả khám tổng quát 3 tháng trước có chụp X-quang phổi, đo điện
tim, siêu âm tim đều bình thường. Nhờ chương trình tư vấn giúp, ba tôi nên đến
khoa nào, làm thêm những xét nghiệm gì để tìm ra bệnh? Tôi xin cảm ơn!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn Hồng Minh,
Theo mô
tả của bạn, triệu chứng khó thở và đau ngực của bác có vẻ liên quan đến bệnh lý
dạ dày (viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản) gây khó tiêu, đầy hơi. Tuy
nhiên vì bác tuổi đã cao và có kèm nhiều yều tố nguy cơ tim mạch, bạn nên cảnh
giác đến bệnh nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim (với triệu chứng điển hình là
đau ngực) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để có
được chẩn đoán chính xác bạn có thể đưa bác đến bệnh viện khám chuyên khoa tiêu
hóa, và nội soi dạ dày tá tràng nếu có chỉ định.
- Nguyễn Hoàng - Tây Ninh
Xin chào bác sĩ,
Tôi năm nay 43 tuổi. Cứ khoảng 1 tuần tôi lại bị ho, khó thở, đau
tức ngực, đôi khi có đờm nữa. Tình trạng này thường xảy ra vào 2 - 3h sáng và
đã kéo dài 5 tháng nay. Xin BS cho biết, tôi có phải bị hen phế quản hay không?
Cách điều trị như thế nào? Xin cảm ơn!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Với
thông tin bạn cung cấp chưa đủ dữ kiện để chẩn đoán có hen phế quản hay không.
Bạn nên đi khám chuyên khoa hô hấp và cung cấp thêm một số thông tin về tình
trạng hút thuốc lá cũng như là chi tiết của các triệu chứng bạn đã nêu, các
thuốc bạn đã dùng.
Bên
cạnh khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định đo chức năng hô hấp với test giãn
phế quản để chẩn đoán chính xác có hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính hoặc bệnh lý hô hấp khác, sau đó sẽ có hướng điều trị thích hợp.
- Nguyễn Văn Tính - tinhtan…@yahoo.com.vn
Thưa bác
sĩ,
Tôi đi
khám và được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn thông khí tắc nghẽn mãn tính giai
đoạn 3, tôi cảm thấy rất khó thở. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi có phương pháp
nào nào chữa trị khỏi hẳn hay giảm bớt được bệnh này hay không? Xin cảm ơn bác
sĩ.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Tình trạng của bạn được gọi là bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính (COPD). Đây là một bệnh lý mạn tính kéo dài suốt đời cho nên
không có phương pháp nào để điều trị dứt điểm.
Bạn cần ngưng hút thuốc lá tuyệt đối và theo
đuổi điều trị với các thuốc được kê bởi bác sĩ chuyên khoa hô hấp. Bao gồm các
loại thuốc uống và xịt (phun sương) để điều trị cắt cơn khó thở và duy trì tình
trạng ổn định của đường hô hấp. Chỉ có các này mới làm chậm tiến triển của bệnh
và phần nào giúp giảm triệu chứng bệnh.
Ngoài ra khi có những cơn kịch phát của bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng hô hấp, triệu chứng
khó thở có thể sẽ nặng hơn. Bạn cần đi khám ngay để dùng thuốc kháng sinh đúng
kèm theo các biện pháp hỗ trợ hô hấp khác nếu cần.
-
Mai Văn Chín - Cần Thơ
Xin chào
bác sĩ,
Năm nay
tôi 56 tuổi, trước giờ tôi ít khi bị ho, nhưng vừa rồi tôi ho kéo dài gần 2
tháng. Tôi ngậm chanh chưng đường phèn liên tục không hết nên điều trị ở bệnh
viện tỉnh. BS ở đây chẩn đoán tôi bị viêm phế quản mãn tính, bây giờ về nhà cứ
ù đầu, khó thở, khò khè. Rất mong bác sĩ sớm tư vấn giúp tôi, xin cảm ơn bác
sĩ.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bác,
Viêm phế quản mạn tính là một thể bệnh của bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), bệnh này thường liên quan đến việc hút thuốc lá
nhiều hoặc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài. Để chẩn đoán
chính xác giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bác cần được đo thêm chức
năng hô hấp để từ đó có các phương pháp điều trị thích hợp.
- Tố
Uyên - lehoang…@gmail.com
Thưa bác
sĩ,
Ba tôi nằm
ngủ trưa hay tối đều bị ngáy, tiếng ngáy rất lớn, gây ảnh hưởng tới người xung
quanh. Có người khuyên tôi đưa ba đi đo đa ký giấc ngủ thì mới có thể trị hết
chứng ngáy ngủ này. Xin hỏi phòng khám Yersin có làm kỹ thuật này không? Nếu
không thì ở đâu có và chi phí hết khoảng nhiêu, nhờ BS chỉ giúp tôi. Cảm ơn BS
nhiều!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu chứng ngáy khi ngủ có thể liên quan đến
hội chứng ngưng thở lúc ngủ, hội chứng này có thể gây ra tình trạng tăng huyết
áp hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có.
Để làm rõ liệu bố bạn có mắc hội chứng ngưng thở
lúc ngủ hay không thì tôi khuyên bạn nên đưa bố đến khám tại BV Đại học
Y Dược hoặc BV Chợ Rẫy. Tại đây bố bạn sẽ được thực hiện đo đa ký giấc
ngủ.
Kết quả sẽ cho biết bệnh nhân có bị cơn ngưng
thở lúc ngủ hay không và xác định nguyên nhân gây ngủ ngáy thuộc bệnh lý tai
mũi họng hay từ trung tâm hô hấp để từ đó có hướng điều trị thích hợp. Hiện
tại, phòng khám Yersin chưa triển khai kỹ thuật này. Chí phí từ 1.000.000 -
2.000.000 đồng cho 1 lần đo.

-
Nguyễn Quang Hưng - Hải Phòng
Xin chào
bác sĩ,
Tôi bị
bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đã điều trị được hơn một năm nay. Tôi không bị
khó thở nhưng khi nằm nghiêng về bên phải thì không việc gì, còn nằm nghiêng về
bên trái thì cứ khò khè. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị như thế nào
ạ?
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Việc thường xuyên xuất hiện triệu chứng khò khè
khi nằm nghiêng một bên so với bên kia gợi ý có một tổn thương ở một bên phổi,
tổn thương này có thể là một kén khí to hoặc một ổ áp xe trong phổi hoặc khối u
trong phổi chèn ép đường dẫn khí gây ra triệu chứng khò khè như bạn đã nêu. Vì
vậy bạn nên đi khám lại với chuyên khoa hô hấp để được làm các xét nghiệm chẩn
đoán phù hợp.
-
Trần Hằng - tranthi…@gmail.com
Bố tôi 67 tuổi thường xuyên bị ho vào ban đêm làm ngủ
không ngon giấc, hơn nữa còn có tiếng rít và tiếng khò khè rất lớn, đi khám bác
sĩ kết luận bố tôi bị hen.
Vậy bệnh hen của bố tôi cần kiêng cữ thế nào trong sinh
hoạt? Những thực phẩm nào thì tốt và không tốt cho người bị hen? Bệnh này có
chữa dứt điểm được không ạ? Nhờ BS giải đáp. Xin cảm ơn!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Hen phế
quản là một bệnh lý viêm mạn tính trong đường hô hấp có hồi phục. Cơn hen phế
quản thường được khởi phát bởi một số yếu tố gây kích thích niêm mạc đường hô
hấp như là khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, một số các dị ứng nguyên...
Hen phế
quản không thể chữa hết dứt điểm mà chỉ có thể được chữa trị để đưa về tình
trạng ổn định với ít lần xảy ra cơn khó thở, khò khè cấp tính (cơn hen phế quản
kịch phát). Vì vậy nếu bố bạn có cơ địa dị ứng với một hoặc nhiều loại dị ứng
nguyên nào đó (thức ăn, thuốc...) thì cần phải tránh tiếp xúc.
Ngoài
ra, bố bạn nên được chích ngừa cúm và phế cầu để phòng tránh các đợt nhiễm
trùng hô hấp có thể làm nặng hơn tình trạng hen phế quản. Bên cạnh đó, bố bạn
cần tuân thủ việc dùng thuốc cắt cơn hen phế quản cấp và ngừa cơn hen tái phát
theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để việc điều trị được tối ưu.
- Nguyễn Thị Thúy - TP.HCM
Chào bác sĩ,
Cô tôi năm nay 68 tuổi, nửa đêm nằm xuống thì khó thở,
ngồi dậy thì cũng không thở được, con cái phải vỗ mạnh vào lưng thì mới thở
được. Có mấy lần như vậy nửa đêm đi cấp cứu ở bệnh viện quận thì bác sĩ nói
không có bệnh gì nên sáng lại về. Xin hỏi BS đây là bệnh gì và phải làm sao cho
dứt bệnh? Mong bác sĩ tư vấn.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Thông
tin bạn cung cấp về triệu chứng khó thở của cô bạn chưa đầy đủ để tôi hướng đến
một chẩn đoán cụ thể. Bạn nên đưa cô đến khám tại phòng khám chuyên khoa hô hấp
để các bác sĩ thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm như thăm dò chức năng hô
hấp, X-quang phổi, đo điện tim, siêu âm tim hoặc một số xét nghiệm máu để có
chẩn đoán chính xác.
-
Thanh Quỳnh - hoasu…@gmail.com
Chào bác sĩ,
Tôi bị khó thở nửa tháng nay chưa khỏi. Mặc dù tôi có
uống thuốc mua ở tiệm thuốc tây nhưng khi ngưng thuốc 1-2 ngày là bị lại, có
những cơn khó thở ban đêm làm cho tôi khó ngủ. Nhờ BS tư vấn giúp tôi ạ. Tôi 43
tuổi, là nhân viên văn phòng, huyết áp hơi thấp, thỉnh thoảng chóng mặt ạ. Cảm
ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào
bạn,
Tình
trạng khó thở của bạn có thể rất giống với triệu chứng của bệnh hen phế quản.
Hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính tại đường hô hấp, đặc trưng là khó
thở do co thắt và tiết nhầy gây hẹp đường dẫn khí.
Để chẩn
đoán hen phế quản, ngoài thăm khám bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn làm thêm đo chức
năng hô hấp với test giãn phế quản. Nếu thực sự có hen phế quản bạn cần dùng
các thuốc cắt cơn hen và ngừa cơn hen tái phát theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Lê
Quang - Cần Thơ
Xin chào bác sĩ,
Tôi hút thuốc lá từ khi còn thanh niên đến nay đã 24 năm.
Hiện tôi đã bỏ thuốc nhưng tôi thường xuyên bị ho khan và khó thở khi thời tiết
thay đổi. Như vậy tôi có bị ảnh hưởng gì tới phổi không thưa BS? Tôi xin cảm
ơn.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Hút thuốc lá với thời gian dài như bạn rất có
thể đã gây ra nhiều tổn thương không thể phục hồi cho 2 lá phổi. Điều này
thường dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Triệu chứng của bệnh này là
khó thở khi gắng sức khiến hạn chế các hoạt động từ nhẹ đến nặng tùy mức độ và
triệu chứng ho khạc đàm kéo dài do tình trạng viêm mạn tính của niêm mạc đường
hô hấp.
Tôi thấy triệu chứng bạn mô tả rất giống với các
triệu chứng kể trên. Để chẩn đoán chính xác và phân mức độ nặng của bệnh phổi
tắc nghẽn mạn tính bạn cần được đo chức năng hô hấp (hô hấp ký). Bạn có thể đến
khám tại bất kỳ bệnh viện hoặc phòng khám nào có chuyên khoa hô hấp để được đo
hô hấp ký và điều trị tùy theo giai đoạn.
-
Mai Thảo - thaomai…@gmail.com
Xin chào bác sĩ Đăng,
Ông ngoại cháu năm nay 71 tuổi. 6 năm trước, ông phát
hiện bệnh đái tháo đường và suy thận. Gần đây, ông thường hay khó thở, ho khạc
có đàm mủ, đau ngực. Gia đình đã đưa ông đi khám bệnh và BS kết luận là viêm
phổi. Cả nhà cháu lo lắm, vì ông cao tuổi lại còn nhiều bệnh. Đang bị đái tháo đường
mà lại thêm viêm phổi thì bệnh khó chữa khỏi lắm phải không BS? Xin hỏi bác sĩ
cách điều trị và chăm sóc cho ông như
thế nào ạ? Cháu cảm ơn BS!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Bạn có
những lo lắng rất đúng, cảm ơn bạn đã nêu ra những băn khoăn về tình hình sức
khỏe của ông ngoại. Như bạn đã biết đái tháo đường làm giảm sức đề kháng của cơ
thể. Bên cạnh đó viêm phổi là một bệnh lý nhiễm trùng nặng, có thể gây nhiều
biến chứng. Nếu được điều trị kịp thời và thích hợp thì khả năng phục hồi khỏi
nhiễm trùng cũng rất cao. Bạn cần đưa ông đến bệnh viện để được điều trị tích
cực và chăm sóc đầy đủ.
-
Ngô Minh Lộc - locngo…@gmail.com
Thưa bác sĩ,
Tôi hay bị khó thở, điều trị nhiều nhiều lần rồi, nhưng
lúc thì BS nói bị viêm phế quản, lúc thì nói là phổi tắc nghẽn. Sau khi ở BV về
nhà cứ khoảng 1 tuần lại cảm thấy mệt, khó thở, mỗi lần khó thở tim đập rối
loạn. Xin hỏi làm sao để biết chính xác tôi bị bệnh nào và có thuốc gì điều trị
tốt nhất không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp, cảm ơn BS.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Bệnh
phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có 2 thể là viêm phế quản mạn và khí phế thũng.
Vì vậy 2 thể bệnh mà bạn nêu thực chất là một. Triệu chứng của bệnh này là khó
thở khi gắng sức khiến hạn chế các hoạt động từ nhẹ đến nặng tùy mức độ và
triệu chứng ho khạc đàm kéo dài do tình trạng viêm mạn tính của niêm mạc đường
hô hấp.
Tôi
thấy bạn mô tả rất giống với các triệu chứng kể trên. Để chẩn đoán chính xác và
phân mức độ nặng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bạn cần được đo chức năng hô
hấp (hô hấp ký). Bạn có thể đến khám tại bất kỳ bệnh viện hoặc phòng khám nào
có chuyên khoa hô hấp để được đo hô hấp ký và điều trị tùy theo giai đoạn. Bên
cạnh đó, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa hô hấp với
các thuốc cắt cơn và ngừa cơn khó thở.
-
Minh Huệ - Bình Dương
Chào Ongbachau,
Ông bà tôi dự định đi du lịch Hàn Quốc nhưng điều tôi băn
khoăn là ông tôi bị hen phế quản, mà Hàn
Quốc mùa này khá lạnh. Gia đình tôi ủng hộ việc đi du lịch của hai ông bà nhưng
cũng lo lắng sức khỏe của ông. Xin hỏi BS, ông tôi nên chuẩn bị loại thuốc nào
nhanh chóng cắt cơn nhanh và hiệu quả nhất ạ? Người bị hen đi du lịch xa cần
lưu ý điều gì thưa BS? Cảm ơn Ongbachau!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Bạn
không cung cấp thông tin ông bạn bị hen phế quản có mức kiểm soát bệnh hen như
thế nào, hoặc tần suất xuất hiện cơn hen, cho nên tôi rất khó đưa ra lời khuyên
về tính an toàn trong khi đi du lịch xa. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên
khoa hô hấp đang điều trị cho ông của bạn.
Về
thuốc cắt cơn có thể sử dụng loại Salbutamol xịt liều định chuẩn (MDI). Ngoài
ra, ông bạn nên được chích ngừa cúm và phế cầu trước khi đi du lịch. Đồng thời,
hai ông bà cũng nên mua bảo hiểm du lịch trước khi đi chơi xa, bạn nhé.
-
Thanh Tú - Q. Bình Tân, TP.HCM
Thưa bác sĩ,
Tôi thường gặp tình trạng khi nào bị cảm cúm là khó thở,
giống như bệnh hen. Nhưng nếu kịp thời uống thuốc cảm cúm kèm kháng sinh thì
không khó thở nữa, nhưng nếu không uống thuốc thì lặp lại tình trạng như vậy
kèm theo đau tức ngực. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì?
Và BS cho tôi hỏi thêm là tôi hay uống thuốc cảm loại
thông dụng trên thị trường như Decolgen, Tiffy, Ameflu… nhưng không dùng liên
tục 1 loại trong thời gian dài, cứ vài tháng đổi qua loại khác vì sợ lờn thuốc.
Lo lắng của tôi có hợp lý và cần thiết không? Cảm ơn BS rất nhiều!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Với lo
ngại về bệnh hen phế quản và các biểu hiện như bạn đang có, bạn nên đi đến khám
chuyên khoa hô hấp và thực hiện đo chức năng hô hấp với test giãn phế quản để
chẩn đoán có bệnh hen phế quản hay không.
Việc
bạn uống thuốc trị cảm cúm cũng như kháng sinh trị bội nhiễm là hợp lý. Điều
này giúp loại trừ tình trạng nhiễm trùng, mà có thể thúc đẩy khởi phát cơn khó
thở (cơn hen phế quản). Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh nên tuân theo chỉ
định của bác sĩ, tránh tình trạng lạm dụng dẫn đến lờn thuốc kháng sinh.
Các
thuốc Decolgen, Tiffy, Ameflu đều có hoạt chất Paracetamol giúp giảm các triệu
chứng đau đầu, sốt do cảm cúm gây ra. Thuốc này không bị lờn nên bạn không cần
thay đổi thuốc thường xuyên như bạn đã nêu.
- Uyên
Nhi - hoaxuong…@gmail.com
Chào bác
sĩ,
Mẹ em năm
nay 50 tuổi, có hiện tượng ngủ ngáy mà ngáy rất to. Điều lạ là ba em cũng ngáy
nhưng không đáng kể còn mẹ em lại ngáy to như vậy. Huyết áp của mẹ em là
140/100, nặng 68kg, không có bệnh mãn tính. BS có thể tư vấn giúp mẹ em cách
điều trị ngủ ngáy mà không phải phẫu thuật được không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu chứng ngáy khi ngủ có thể liên quan đến
hội chứng ngưng thở lúc ngủ, hội chứng này có thể gây ra tình trạng tăng huyết
áp hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng huyết áp sẵn có. Để làm rõ liệu bố mẹ bạn
có mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ hay không thì tôi khuyên bạn nên đưa bố mẹ
đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược hoặc Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại đây bố mẹ bạn sẽ được thực hiện đo đa ký
giấc ngủ, kết quả của việc đo đa ký giấc ngủ sẽ cho biết bệnh nhân có bị cơn
ngưng thở lúc ngủ hay không và xác định nguyên nhân gây ngủ ngáy thuộc bệnh lý
tai mũi họng hay từ trung tâm hô hấp để từ đó có hướng điều trị thích hợp.
-
Trương Hùng, 42 tuổi - TP.HCM
Chào bác
sĩ,
Hơn 1
tháng nay mỗi khi thức dậy tôi cảm thấy ngực tôi như có 1 cái gì đè lên, hít
thở khó khăn và thở ra có tiếng khò khè, ban đêm khi ngủ tôi còn ngáy to nữa.
Tôi thường xuyên bị ợ hơi và có cảm giác trong ngực mình có 1 khoảng
trống mỗi khi hóp ngực lại. Cho tôi hỏi tình trạng này có nghiêm trọng
không? Tôi nên đi khám chuyên khoa nào? Cảm ơn BS và chương trình tư vấn.
BS.CK1 Lương
Võ Quang Đăng, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
Chào bạn,
Triệu chứng ợ hơi thường xuyên là biểu hiện của
viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Triệu chứng khó thở, thở khò
khè mà bạn nêu có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp, có thể là viêm phế quản
co thắt hoặc hen phế quản.
Một trong các nguyên nhân của bệnh lý này là do
hiện tượng trào ngược dịch từ dạ dày lên thực quản và chảy vào đường hô hấp khi
nằm. Bạn nên đi khám chuyên khoa hô hấp và tiêu hóa để được chẩn đoán và điều
trị thích hợp.

Mời bạn theo dõi clip:
Đã hết thời gian tư vấn trực tuyến. Thay mặt bạn đọc, Ongbachau.vn chân thành cảm ơn BS.CK1 Lương Võ Quang Đăng và xin kính chào tạm biệt!
--------------
BS.CK1 Lương Võ Quang Đăng, khoa Nội tổng quát, phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
BS.CK1 Lương Võ Quang Đăng tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM ngành Nội tổng quát. BS Đăng từng công tác tại bộ môn Nội ở các bệnh viện tại TP.HCM: BV Đại học Y dược, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định... Hiện BS Đăng tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin.
Mời bạn đọc Ongbachau.vn gửi câu hỏi về sức khỏe đến địa chỉ mail: bientapongbachau@gmail.com, ban biên tập sẽ gửi đến quý vị nội dung trả lời của các bác sĩ chuyên khoa để có những hướng dẫn điều trị đúng và kịp thời nhất.
Điện thoại hotline của chương trình tư vấn: (08) 6686 5474
Chương trình giao lưu trực tuyến tư vấn sức khỏe cho bạn đọc diễn ra vào chiều thứ 5 hàng tuần do Ongbachau.vn và Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin phối hợp tổ chức. Mời bạn đọc vào Fanpage của Ongbachau.vn để theo dỗi nhiều hơn: https://www.facebook.com/ongbachau.vn
|
Ongbachau.vn