Thế nào là bản Kiều tốt?

Hiện nay có hàng chục truyền bản Nôm và hàng trăm bản phiên âm chú thích Truyện Kiều. Vậy thế nào là một văn bản tốt?

Truyện Kiều là quyển sách có số phận kỳ lạ vào bậc nhất ở nước ta. Thúy Kiều mang tính cách của người phụ nữ Việt Nam, của người Việt Nam và số phận của dân tộc Việt Nam: Thông minh, sắc sảo, đằm thắm nhưng lắm gian truân (Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/ Vô duyên là phận hồng nhan đã đành/ Lại mang lấy một chữ Tình/ Khư khư mình buộc lấy mình vào trong/ Vậy nên những chốn thong dong/ Ngồi không yên ổn đứng không vững vàng/ Ma đưa lối quỷ dẫn đường/ Những tìm những chốn đoạn trường mà đi).

Nghe đoạn Sư Tam Hợp Đạo Cô phán về số phận Kiều mà cứ thấy lạnh mình: Nguyễn Du đang phán về số phận đất nước mình đấy.

Nguyễn Văn Vĩnh khi giới thiệu Truyện Kiều – bản tiếng Pháp có nói: Truyện Kiều mang “cái bí mật của tâm hồn An Nam”. Komatsu khi dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật năm 1942 thì nói: Truyện Kiều là Thánh thư của người An Nam. Vì vậy động đến Truyện Kiều là phải cẩn thận, người ta phản ứng rất dữ.

Vậy thì tại sao bản Kiều của Hội Kiều học và NXB Trẻ mới xuất bản vừa rồi lại gây thất vọng sâu xa đối với độc giả như vậy? Tôi không nói đến chuyện làm ăn cẩu thả, mà chỉ nói về nguyên tắc làm văn bản, bản Kiều ấy đã không có một quan niệm rõ ràng về làm văn bản.

Hiện nay có hàng chục truyền bản Nôm và hàng trăm bản phiên âm chú thích Truyện Kiều. Vậy thế nào là một văn bản tốt?

Theo tôi, Truyện Kiều có 2 loại văn bản:

Loại 1: Loại Truyện Kiều cho các nhà nghiên cứu hay cho những ai hiếu kỳ, hiếu cổ. Bản này có mục đích truy tầm một văn bản cổ gần với bản Nguyễn Du nhất. Vì vậy khi phiên âm chú giải người ta phải làm sao phiên âm cho chính xác và giải thích đúng các chữ Nôm trong đó. Như vậy người ta chấp nhận các từ cổ, các từ địa phương, thậm chí cả những từ kỳ quái, ví dụ:

– Thẳm nghiêm kín cống cao tường (Nghiêm trang, sâu thẳm, kín các đường cống thoát nước và tường cao)

– Vi lau hiu hắt như màu khảy trêu (dù là tiếng Việt không có từ “vi lau” mà chỉ có lau sậy. Đồng thời người Việt nhìn chung không chấp nhận từ KHẢY TRÊU)

– Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi (dù tiếng sóng thì không thể “om thòm”).

Loại sách này cần ghi chính xác, ví dụ: Kim Vân Kiều tân truyện bản Liễu Văn Đường 1871, bản Duy Minh Thị 1872, bản Kiều Oánh Mậu 1902.v.v…

Loại 2: Bản Truyện Kiều phổ thông. Truyện Kiều được bản thân Nguyễn Du sửa chữa, hoàn thiện trong thời gian dài, vì vậy có thể có nhiều bản của Nguyễn Du. Bên cạnh đó Truyện Kiều cũng được nhân dân lưu truyền theo kiểu bán truyền khẩu, nho sĩ truyền tụng và nhuận sắc nó. Trong văn học nước ta chỉ có Truyện Kiều mới được cái đặc ân đấy.

Vì vậy Truyện Kiều trong dân gian là bản rất hay. Làm bản Truyện Kiều được yêu thích ấy thì phải làm như cụ Đào Duy Anh, Viện Văn học và các nhà thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… đã làm (bản 1965). Nghĩa là chọn trong các dị bản, cách phiên âm nào hay nhất, hợp lý nhất thì đưa vào mà không dựa nhất định vào bản nào. Và như vậy các câu trên sẽ là:

– Thâm nghiêm kín cổng cao tường

– Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu

– Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…

Muốn làm được bản này thì phải có tri thức Hán Nôm, có sự cẩn trọng, đồng thời lại có khiếu thẩm văn nữa.

Tóm lại, theo tôi bản Truyện Kiều của Hội Kiều học và NXB Trẻ vừa rồi, với lời in trang trọng ở bìa “Ấn bản kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du” đã không làm được điều như độc giả mong đợi, tức là làm một bản Kiều tinh hoa (loại 2 ở trên) trên cơ sở thành tựu 50 năm nghiên cứu tranh luận về Truyện Kiều. Nó chỉ là bản “Kim Vân Kiều tân truyện, bản Trần Bích San (?)” (loại 1 ở trên) với rất nhiều sai sót.

Tôi nghĩ nhóm các nhà Hán Nôm Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo đã không quan niệm rành mạch về cách làm văn bản trong cuốn Truyện Kiều của mình nên đã gây thất vọng cho độc giả như vậy.

Facebook PGS.TS Đoàn Lê Giang
Trưởng Khoa Văn học và – Ngôn ngữ, ĐH KHXH và NV TP.HCM