Nên ăn nhiều rau củ quả xanh. Tránh những
trái cây ngọt như: sầu riêng, nhãn, mít… Sử dụng những trái cây ít ngọt:
táo, bom, sơ ri, ổi, cóc…
Chào BS Thanh Phương,
Em 18 tuổi. Hiện tại em bị phình tuyến
giáp nhưng BS không cho uống thuốc. BS cho em hỏi vậy bệnh của em có
nguy hiểm không và khi nào cần điều trị? Có ảnh hưởng gì nhiều về việc
sinh con sau này không ạ?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn,
Trên siêu âm chỉ có phình tuyến giáp và xét
nghiệm chức năng tuyến giáp bình thường thì ko cần thiết phải sử dụng
thuốc. Bạn nên khám lại tuyến giáp mỗi 6 tháng 1 lần hoặc khi cơ thể có
thay đổi bất thường để BS nội tiết quyết định có điều trị hay không.
Nếu bạn kiểm soát chức năng tuyến giáp tốt trước và trong thời kỳ mang thai thì bạn mang thai và sanh em bé bình thường.
- Bạn đọc Phạm Minh Đạt - Bình Dương
Thưa BS Phương,
Em có tham khảo trên web của BV thấy có
kỹ thuật hút áp lực âm giúp điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Nhờ BS nói rõ thêm về phương pháp này để em được biết cụ thể hơn.
Ngoài ra em cũng có nghe nói nếu nằm thở
oxy cao áp sẽ giúp vết thương ở người bị tiểu đường mau lành hơn. Vậy
giữa 2 kỹ thuật này em nên ưu tiên chọn cái nào ạ? Em có người nhà bị
tiểu đường, nam 56 tuổi ạ.
Rất cảm ơn BS tư vấn giúp.
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn,
Kỹ thuật hút áp lực âm (VAC) là một hệ thống thúc
đẩy sự chữa lành vết thương. Hoạt động dựa trên nguyên tắc: áp suất âm
tác dụng lên vết thương sẽ giúp cải thiện môi trường cho quá trình lành
vết thương nhanh.
Cơ chế hoạt động thông qua sự kết hợp các cơ chế
loại bỏ dịch rỉ ngoại bào và dịch tiết từ vết thương, giữ ẩm, giảm lượng
vi khuẩn, loại bỏ các enzym có hại, cải thiện sự khuếch tán oxy đến tế
bào, biến đổi môi trường của vết thương theo hướng thuận lợi cho sự lành
vết thương, phóng thích yếu tố tăng trưởng, hình thành mô hạt và biểu
mô hóa.
Còn về thông tin nằm thở oxy cao áp giúp mau lành vết thương ở người đái tháo đường thì đây chỉ là phương pháp hỗ trợ.
Bệnh nhân bị đái tháo đường cần nắm rõ nguyên tắc
điều trị vết thương ở người đái tháo đường là: chống nhiễm trùng, cắt
lọc mô hoại tử, loại bỏ dịch tiết, dịch mủ, dùng kháng sinh để chống
tình trạng viêm nhiễm… Khi vết thương ổn định thì có thể dùng thêm các
phương pháp hỗ trợ khác.
BS tôi cho hỏi,
Ba tôi là người lao động nặng, tuy nhiên tôi không biết người lao động nặng có cần thiết tập thể dục hay không BS?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Bạn Van mến,
Thường khi lao động nặng thì sự vận động sẽ tập
trung ở một số ít cơ quan. Còn tập thể dục sẽ có những bài tập liên quan
đến nhiều bộ phận trên cơ thể: xương, bắp thịt, gân, mạch máu… Ngoài
ra, tập thể dục hằng ngày còn đem lại một tinh thần sảng khoái để bắt
đầu ngày làm việc mới.
Ví dụ: Khi đi bộ: cơ bắp co thường xuyên,
tăng tuần hoàn máu, ngăn ngừa sự suy yếu của tim, cải thiện chức năng hô
hấp và điều hòa chuyển hóa cơ thể, giảm lượng đường trong máu, tiêu hao
năng lượng, giảm cân, giảm căng thẳng…
Do đó, người lao động nặng cũng cần tập thể dục thường xuyên.
Chào AloBacsi.
Em năm nay 31 tuổi. Em hay bị choáng
váng, chóng mặt cách đây gần 2 tháng. Em đi khám và xét nghiệm máu, các
chỉ số glucose và Hba1c đều bình thường. Nhưng chỉ số định lượng insulin
của em thấp (3,5).
Em có điện não đồ, chụp sọ não tất cả đều bình thường. BS kết luận em bình thường và cho thuốc về tiền đình.
Em uống thuốc nhưng vẫn bị choáng váng,
chóng mặt, nhất là buổi sáng từ lúc ngủ dậy đến khoảng 9h, và lúc ăn
sáng, ăn trưa, ăn tối đều bị chóng mặt.
BS cho em hỏi định lượng insulin thấp có
phải là nguyên nhân khiến em bị choáng không ạ? Em có nên đi xét nghiệm
đường máu và insulin sau khi ăn không? Vì lần trc là xét nghiệm vào sáng
sớm và nhịn đói. Em cảm ơn BS!
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào em,
Giá trị bình thường của insulin trong máu là 6-29 UI/ml.
Bình thường insulin được tiết ra khi nồng độ glucose trong máu tăng và khi đường trong máu giảm thì sự tiết insulin dừng lại.
- Giảm insulin máu thường do các nguyên nhân chính sau:
1. Tăng đường máu
2. Bị đái tháo đường type 1
3. Suy giảm chức năng tuyến yên
Ngoài ra, cần lưu ý những yếu tố làm ảnh
hưởng đến kết quả insulin trong máu như do thuốc. Một số thuốc cũng làm
giảm insulin máu: chẹn beta giao cảm, calcitonin, cimetidin, ethanol,
lợi tiểu furosemide và thiazide, phenolbarbital…
Em nên đến gặp BS nội tiết để được khám và xét nghiệm lại.
- Bạn đọc Lương Thị Mỹ Hạnh - Quận 10
Chỉ số đường huyết của tôi khi làm xét nghiệm là 134.4. Xin BS cho tôi biết là tôi có bị tiểu đường chưa?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Nếu chỉ số này bạn làm xét nghiệm lúc đói thì bạn
cần làm thêm 1 lần nữa. Nếu kết quả >=126mg/dl thì bạn cần đến gặp
BS nội tiết để được khám bệnh, tư vấn về chế độ ăn kiêng, tập luyện hoặc
điều trị.
Chào BS, xin cho tôi hỏi,
Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, đã bị tiểu đường
gần 20 năm. Hiện nay bị mỗi khi bị viêm họng, viêm tai uống thuốc kháng
sinh đều bị dị ứng nổi toàn thân bầm tím. Tình trạng mẹ tôi có phải bị
kháng thuốc kháng sinh hay không?
Giờ muốn kiểm tra kháng thuốc làm xét nghiệm gì, ở đâu? Xin các BS hướng dẫn dùm, xin cảm ơn.
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Bạn Hiền thân mến,
Tình trạng của mẹ bạn có khả năng dị ứng với
thuốc kháng sinh. Như vậy cần tránh những kháng sinh đã bị dị ứng và cần
thiết phải báo cho BS khi BS kê toa.
BS cho tôi hỏi hiện nay trên thị trường có quảng cáo cao dán trị tiểu đường nó có tác dụng chữa bệnh tiểu đường không?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn Hòa,
Theo quảng cáo thì cao dán này chứa chiết xuất
thảo mộc hỗ trợ bình thường hóa lượng đường trong máu. Tuy nhiên khi bạn
bị tiểu đường, bạn không thể chỉ dùng phương pháp hỗ trợ. Bạn cần tới
gặp BS chuyên khoa nội tiết để được hướng dẫn cụ thể.
- Bạn đọc Lê Thị Lý - Kon Tum
Chào BS Thanh Phương,
Em mới chọc sinh thiết tế bào tuyến giáp ngày 16/10 vậy sau bao nhiêu lâu nữa em có thể làm
chọc sinh thiết lần 2? Em muốn kiểm tra lại coi chính xác không ạ?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chọc sinh thiết tế bào tuyến giáp nếu bình thường thì mỗi 2 năm làm 1 lần. Cần kiểm tra lại thì sau 1-2 tuần, em nhé.
- Bạn đọc Vũ Thị Thanh Hòa - Ninh Thuận
Chào AloBacsi,
Mình có kết quả siêu âm tuyến giáp là:
Nhân giáp thùy phải - Tirads 3 kt # 16x42x15 mm. Vài hạch góc hàm và dọc
cơ ức đòn chũm 2 bên dạng hạch viêm kt # 10- 13 mm.
Mình muốn hỏi tình trạng của mình như vậy có cần làm xét nghiệm gì khác và điều trị không ạ?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn,
Hiện nay nhân giáp của bạn lớn và kèm theo có
hạch viêm, do đó bạn cần gặp BS nội tiết để được thăm khám và làm thêm 1
số xét nghiệm khác.
Em bị suy giáp đã lâu và đang điều trị,
tới tháng 6/2017 thì xét nghiệm ở BV Ung Bướu thì BS nói đã ổn định nên
cho ngưng thuốc 6 tháng.
Nhưng được 3 tháng thì em thấy khó chịu
nên khám lại rồi BS cho uống Lyvosum 1 viên/ ngày, uống được 7 viên thì
em phát hiện có thai 8 tuần nên khám lại. BS cho uống Ltyrox 100, mỗi
ngày 1 viên, nói là không ảnh hưởng gì đến em bé.
Nhưng em vẫn rất lo lắng, không biết em bé sau khi sinh ra có bình thường không? Em cảm ơn BS!
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Em Trinh thân mến,
Thuốc Levosum hay L Tyrox chính là Levothyroxin chữa trị suy giáp.
Khi có thai cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp mỗi 2 tuần/lần để điều chỉnh liều Levothyroxin.
Nếu chức năng tuyến giáp của em được kiểm soát tốt trong thời kỳ mang thai thì em bé sinh ra bình thường.
BS ơi,
Con vừa mổ basedow được gần 2 tháng. BS dặn
con không phải kiêng ăn gì cả. Khi điều trị thuốc con phải kiêng ăn muối
iot. Hiện giờ con vẫn sử dụng muối trắng thường thay cho muối iot hằng
ngày như trước.
Liệu như vậy có được không ạ, con sợ thiếu iot thì bị suy giáp mà ăn thì bị tái phát. Con phải làm sao ạ?
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn,
Sau mổ bạn vẫn cần phải tái khám kiểm tra tuyến
giáp mỗi 6 tháng để phát hiện xem có tình trạng cường giáp hoặc suy giáp
không. Hai bệnh lý này có phương pháp điều trị khác nhau nên bạn cần
phải gặp BS để thăm khám và điều trị thích hợp, BS sẽ tư vấn chế độ ăn
cho bạn nhé.
- Bạn đọc Minh Sang - Quảng Ngãi
Chào BS Phương ạ,
Vừa rồi em đi khám bệnh BS chẩn đoán là bướu lành tuyến giáp, kết quả siêu âm tuyến giáp
Thùy phải KT# 15*13*45mm
Thùy trái KT# 18*16*44mm
Nhu mô tuyến hai thùy: nhiều nhân rải rác
hai thùy, dạng đặc hồi âm trung bình và thấp so với nhu mô giáp, bờ rõ
nét, không thấy vôi hóa, halo mỏng đều, mạch máu bao quanh D < 29mm.
Hạch cổ hai bên: không thấy hạch nghi ngờ. Tuyến nước bọt dưới hàm, tuyến nước bọt mang tai: không thấy bất thường.
Kết quả xét nghiệm T3: 0,86 FT4: 1,32 TSH: 0,06.
Có BS bảo em vài tháng nữa mổ nhưng có BS
lại bảo em không nên mổ, nếu mổ sẽ bị suy giáp sẽ uống thuốc suốt đời.
Em mong BS tư vấn dùm. Em cảm ơn.
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào bạn,
Theo xét nghiệm thì bạn đang ở tình trạng cường
giáp cận lâm sàng, tuyến giáp lớn nhẹ. Trường hợp này chỉ cần ăn kiêng
muối iod, sau 1-2 tháng bạn thử lại TSH và FT4.
Chỉ định mổ tuyến giáp khi có các triệu chứng
chèn ép mà thất bại với thuốc uống, nghĩ tới ung thư tuyến giáp (cần xác
định bằng FNA), hoặc tuyến giáp quá lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Trường hợp của bạn nên làm thêm xét nghiệm FNA để quyết định mổ hay không.
Chào BS,
Cháu bị bệnh cường giáp, đang điều trị hơn 1
tháng. Cháu bị lồi mắt nên BS mắt có kê cho cháu 1 số loại thuốc uống và
thuốc tra hỗ trợ mắt gồm có Sanlein 0,1 và Corneregel.
Cháu ngủ hay bị chảy nước mắt và ngủ dậy thì
mắt hay bị sưng và đỏ nhưng chỉ 1 bên sau thì lại không đỏ nữa? Cháu đã
khám ở khoa mắt có chụp X-quang, siêu âm mắt, BS kết luận là cháu không
sao.
Sau đó mấy hôm thì mắt cháu bị đỏ hơi sưng
cháu ra hiệu thuốc người ta bảo bị đau mắt đỏ và cho cháu thuốc tra là
Tobradex, cháu tra 2 hôm thì mắt đỡ đỏ, nhưng đến hôm thứ 3 thì đỏ lại
và mắt còn lại bắt đầu hơi khó chịu.
Đến hôm thứ 4 cháu lại tới BV khám và BS kết
luận cháu bị viêm kết mạc cấp. BS có kê đơn thuốc uống và thuốc tra là
Oflovid, Sanlein 0,1.
Cháu vẫn tra các thuốc khi trước, chỉ
ngừng lại thuốc Tobradex lúc mua ở hiệu. Cháu đã điều trị 2 ngày rồi
nhưng cháu cảm thấy mắt nặng hơn. Mỗi khi cháu ngủ thì hay chảy nước
mắt, ngủ dậy thì mắt sưng to và khó mở, đỏ. Cả ngày hay bị chảy địch.
Sau đó thì rất khó chịu. Mấy hôm trước cháu
có ăn rau muống, có phải làm cho bệnh nặng lên không ạ? BS hãy cho cháu
lời khuyên để bệnh nhanh khỏi. Cháu phải làm gì và kiêng những gì? Cháu
cảm ơn.
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Bạn Trang thân mến,
Bạn cần khám đúng BS chuyên khoa Mắt, đừng tự ý ra hiệu thuốc mua sử dụng mà ko có hướng dẫn của BS.
Ăn rau muống không ảnh hưởng đến mắt.
Tuy nhiên, bạn có thể bị basedow, do đó bạn cần điều trị mắt và bệnh lý cường giáp song song.
- Bạn đọc Trâm Nguyễn - Hỏi qua Facebook
Chào BS,
Em trước đây bị cường giáp và được điều
trị bằng iod phóng xạ liều 7mCi, sau đó 1 tháng thì cường giáp trị hết
nhưng em lại bị suy giáp.
Tháng trước xét nghiệm, chỉ số T3 = 0.89;
T4= 1.85; TSH= 55. Hiện tại uống thuốc Levothyrox được gần 1 tháng,
nhưng triệu chứng vẫn chưa cải thiện.
Em bị khó nuốt, hai khớp của 2 mắt bị đau, em cũng khám BS mắt, BS nói do suy giáp làm đau cơ nên kéo theo đau mắt.
Nhưng cổ em lúc nuốt nhìn vào kính thấy
nó chạy lên xuống nhưng có vẻ nó hơi to như con trai. Nên em sợ không
biết có nên chờ uống thuốc đủ trong 2 tháng rồi mới tái khám hay là nên
đi tái khám liền ạ? Vì BS dặn uống thuốc 2 tháng không ngưng thuốc rồi
tái khám. Em chỉ sợ bị sưng cổ làm thành bướu cổ.
BS.CK2 Chu Thị Thanh Phương:
Chào em Trâm,
Sau điều trị iod phóng xạ có thể gây suy giáp, do
đó em phải tái khám theo hẹn của BS như hiện nay. Tuy nhiên, nếu em
thấy trong người khó chịu mà chưa tới ngày tái khám thì em cần tái khám
trước hẹn nhé.